Chủ tịch QH: Người dân quyết định Hiến pháp
Nhiều người nói để dân phúc quyết thì đây, Đảng đang để dân góp ý. Vậy là họ quyết định Hiến pháp này - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Ngày 2/3, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của QH làm việc với TP.HCM về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Góp ý tâm huyết có được TƯ tiếp thu?
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, TP có 382 cuộc lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp với 3.882 lượt ý kiến trong tổng số 14.410 người tham dự.
Theo bà Tâm, các ý kiến cho rằng, bản Dd thảo công phu, đánh giá có chất lượng, tuy có nhiều điểm mới tiến bộ nhưng có những điều chưa phù hợp. Người dân đóng góp ý kiến tập trung vào 3 chương: chương 1, 2 và 9 nhưng nhiều nhất vẫn là chương về chính quyền đô thị.
“Các ý kiến cho rằng chưa có điều phân định rõ hơn chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trong xu thế phát triển hiện nay. Các ý kiến tha thiết mong hiến định nội dung “Việc thành lập chính quyền địa phương, quy định chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương do luật định, những địa phương đủ điều kiện thì được thực hiện chính quyền địa phương…”, bà Tâm nói.
Bà Tâm cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để đến ngày 15/3 sẽ có báo cáo đầu tiên gửi về Ban chỉ đạo TƯ.
Đặc biệt, bà Tâm cho biết, người dân có ý kiến sau thời điểm 31/3 nếu còn có ý kiếm đóng góp thì kiến nghị tiếp nhận bằng văn bản để xem xét bổ sung. “Góp ý rất tâm huyết nhưng nếu không được tiếp thu thì có được trao đổi lại không? Có ý kiến lo lắng có tập hợp ý kiến đủ không, có gửi tới TƯ và TƯ có tiếp thu không?”, bà Tâm thuật lại băn khoăn của người dân.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng (ngoài cùng bên phải), Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (ngoài cùng bên trái) làm việc về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân TP.HCM về dự thảo sửa Hiến pháp |
Trước báo cáo này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dân số TP.HCM hơn 10 triệu người mà chỉ có vài trăm nghìn người góp ý vào Hiến pháp thì chưa tương thích. “14 ngàn ý kiến là thất bại, 40 ngàn là chưa đạt yêu cầu. Nếu chưa làm như thế thì phải triển khai sâu rộng đến nhân dân. 14 ngàn, 140 ngàn hay 3 triệu cũng chưa phải. Đợt này không phải từng người tham gia mà phải bao lược. Đây là sinh hoạt chính trị - pháp lý để mọi người cùng tham gia xây dựng đất nước. Làm sao đây để ta tuyên truyền, vận động, góp ý để bà con thẩm thấu và tham gia”, ông Hùng nói.
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhận định đội ngũ thực hiện điều này còn chưa có kinh nghiệm. Ông yêu cầu Ban chỉ đạo TP phải chú ý đến việc tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực và không thiếu sót.
Ông Hải đề xuất, gửi toàn bộ tài liệu đến từng hộ dân để người dân nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể. “Sau đó họp lại hỏi ai nhất trí thì khỏi nộp, ai có góp ý thì ghi cụ thể. Có như vậy mới tập hợp hết được ý dân”, ông Hải nói.
‘Đa số thì phải theo’
Trước các ý kiến này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Hiến pháp phải đi vào cuộc sống để các cơ quan ban hành pháp luật cho người dân thực hiện. Đây là cơ sở để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ cơ sở chính trị - pháp lý này). Tất cả chủ trương, đường lối đều nằm trong này.
Theo ông, ta đang trong quá trình xây dựng Hiến pháp đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Dân góp ý vào là quyền lực Hiến pháp thể hiện. “Nhiều người nói để dân phúc quyết thì đây, Đảng đang để dân góp ý. Vậy là họ quyết định Hiến pháp này. Chúng ta phải dân chủ như vậy mới tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của người dân để người dân thực hiện quyền, ý chí của họ chứ không phải của đại biểu, của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp”, ông Hùng khẳng định.
Chủ tịch QH đề nghị, TP.HCM phải làm sâu rộng, thực lòng thực chất để tiếp nhận ý kiến. “Cần tập hợp đầy đủ, có phân loại, ý kiến toàn văn dự thảo, ý kiến từng điều, có ý kiến nào đồng ý, không đồng ý, khác thôi thì cũng tập hợp. Sau đó phải tiến hành phân tích ý kiến người dân thấu đáo, đi đến ý kiến nào tiếp thu, cái nào giải trình lại và ý kiến nào không chấp nhận. Có khi đa số thì phải theo chứ có phải theo ý chí của Ủy ban dự thảo thôi đâu”, ông Hùng nói.
Về ý kiến người dân TP băn khoăn đến thời điểm 31/3 có còn tiếp nhận ý kiến đóng góp nữa hay không, ông Hùng cho biết, đến thời điểm tháng 10 khi QH giơ tay bỏ phiếu thì Ủy ban dự thảo sửa Hiến pháp 1992 vẫn tiếp nhận ý kiến của người dân.
Tá Lâm
Quốc hội sinh ra là để Dân bàn, dân kêu những bức bách trong đời sống hàng ngày để những vị lãnh đạo có thể đưa ra những biện pháp có lợi nhất cho nhân dân! Vị thế những ý kiến đóng góp của nhân dân là vô cùng quan trọng !!!!!
Trả lờiXóanhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân.sửa đỏi hiến pháp liên quan trực tiếp đến nhân dân, vì vậy cần lắng nghe những đóng góp, nguyện vọng của nhân dân
Trả lờiXóa