Quảng Cáo 720x90
Searching...

Cựu binh Mỹ chế tác tượng Mẹ Việt Nam Anh Hùng

Cập nhật: Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013 Hiện có: 0 bình luận Tag: , , Tác giả:



Hai ngày nay, tại nhà bà Nguyễn Thị Nhứt ở thôn Quang Hiện, xã Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam) xuất hiện một ông Tây. Đó chính là Jim Gion (66 tuổi), một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Ông đang dành thời gian để thực hiện một công việc mà có thể chưa có một cựu binh nào làm. Đó là chế tác nguyên mẫu tượng một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…
Khuôn mặt thân thiện, nụ cười lúc nào cũng sẵng sàng nở trên môi, và khả năng tiếng Việt tương đối tốt, ông Jim cởi mở chia sẻ câu chuyện đã đưa đẩy ông đến Việt Nam rồi từ lúc nào không hay, bỗng nhận ra đã gắn bó như duyên nợ.

Năm 1969, anh tân binh Jim Gion - lúc đó 22 tuổi - lần đầu tiên được đưa đến Việt Nam để tham gia cuộc chiến phi nghĩa. Jim cho biết, cũng như nhiều thanh niên Mỹ, ông không thích chiến tranh, không muốn cầm súng bắn giết. Nhưng rồi ông đã có mặt tại Việt Nam với tư cách một người lính vì lý do… quá si tình. Jim chia sẻ: “Tôi là con nhà nghèo. Hồi nhỏ rất mê nặn tượng để chơi, vì không có tiền mua đồ chơi khác. Lớn lên, tôi vào đại học, theo ngành Sư phạm, sau đó chuyển qua ngành Mỹ thuật. Đang học năm 2, người yêu của Jim yêu một phi công. Đau khổ, chán đời, Jim bỏ ngang việc học. Mà thời điểm ấy, thanh niên Mỹ không đi học thì phải đi lính, nếu trốn tránh sẽ phải đi tù. Thế là Jim vào quân ngũ, được đưa sang Việt Nam và bố trí làm việc tại Quân cảng Đà Nẵng. 

Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng Jim cũng hiểu sự tàn khốc, sự nghiệt ngã của chiến tranh. Jim biết nhiều thanh niên Mỹ như mình đã bị cuốn và cuộc chiến và gây nhiều tội ác. Sau 2 năm ở Việt Nam, đến năm 1971, Jim về Mỹ. Với kiến thức và niềm đam mê và về điêu khắc mỹ thuật, Jim chọn đó làm nghề nghiệp cho mình. Ông là tác giả của hàng loạt bức tượng đặt ở các nhà thờ, các thành phố của Mỹ.  Trong phần lớn quãng thời gian sau năm 1971, Jim sống ở Nhật, cưới vợ người Nhật và có được 2 người con gái.

Cuộc sống gia đình đã êm ấm, nhưng nỗi ám ảnh về cuộc chiến đã thôi thúc ông trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2000. Tại Đà Nẵng, ông kết bạn tri giao với một người chạy xe ôm. Chính từ những cuốc xe bình dân, những chuyến đi khắp chiều dài của đất nước hình chữ S, Jim đã càng thêm hiểu về tội ác của những kẻ xâm lược đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam, thêm yêu mến đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam kiên cường, quả cảm nhưng vô cùng nhân hậu, bao dung. Đó cũng là lý do khiến ông cảm thấy nặng lòng và gắn bó với đất nước này.
 - 1
Jim Gion đang làm tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhứt.

Từ đó đến nay, hầu như năm nào Jim Gion cũng dành 1-2 tháng đến Việt Nam. Cách đây 4 năm, ông bắt đầu hỗ trợ một người bạn sản xuất tượng mỹ thuật ở Bình Dương và xuất khẩu sang Mỹ. Ông cũng đã tham qua các làng nghề nổi tiếng ở Việt Nam để tìm hiểu và học hỏi. Jim ấp ủ một tương lai không xa, ông sẽ mở và làm chủ một cơ sở điêu khắc ngay tại đất nước này…

Trở lại Đà Nẵng những ngày tháng 3/2013 này, Jim Gion tình cờ gặp chị Hoàng Thị Kim Dung - cán bộ Công an Đà Nẵng. Nghe bạn bè giới thiệu Jim là một cựu binh yêu mến đất nước Việt Nam và là nhà điêu khắc, chị Dung nói với ông Jim: “Tôi muốn ông làm một bức tượng mẹ tôi, ông có giúp được không?”. Jim hỏi lại: Vì sao chị muốn làm tượng mẹ. Chị Dung trả lời. Mẹ là mẹ chồng tôi, nhưng tôi luôn xem mình là con gái của mẹ. Mẹ là Bà mẹ VNAH, đối với chúng tôi thiêng liêng lắm”…

Chị Dung kể cho Jim nghe - cũng là đang tự sự về chuyện đời Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhứt - một người mẹ kiên trung theo cách mạng, hiến dâng cho đất nước những người thân yêu nhất. Trong 5 người con trai của mẹ, có đến 4 người là liệt sỹ, đã anh dũng hy sinh vì độc lập - tự do. Chồng của mẹ cũng hy sinh khi chống càn. Trong năm 1966, mẹ cùng lúc phải chịu 3 cái tang của chồng và 2 con. Tóc mẹ rụng nhiều, nước mắt mẹ cạn khô. Nuốt nỗi đau vào trong, mẹ vẫn tiếp tục đào hầm nuôi giấu, chở che cán bộ, bộ đội. Có thời điểm trong vườn nhà mẹ có đến 6 chiếc hầm bí mật che chở cho cả trung đoàn quân giải phóng. Bọn giặc phát hiện, tra tấn, hủy hoại đôi mắt của mẹ. Tưởng mẹ đã chết, chúng mang vứt mẹ ra bờ sông. Rồi người con út của mẹ - anh Lê Nguyên Hồng cũng bị địch bắt, đày ra Côn Đảo… Nợ nước, thù nhà khiến mẹ không thể ngã gục...

Nghe xong câu chuyện về mẹ Nhứt, Jim Gion xúc động: “Mẹ chị là một bà mẹ quá anh hùng, tôi xin nhận lời làm một bức tượng thật đẹp tặng mẹ”. Ngay hôm sau, Jim Gion đã về nhà mẹ Nhứt tại thôn Quang Hiện. Mẹ không nhìn thấy Jim. Nghe Jim tự giới thiệu về bản thân và nhận lỗi về một cuộc chiến phi nghĩa đã gây ra nhiều đau thương, tang tóc cho người Việt Nam - dù ông cũng chỉ là một người lính, phải tuân theo mệnh lệnh và cũng chưa từng gây ra tội ác trên mảnh đất này - mẹ Nhứt cố dùng chút sức tàn, lắc lắc bàn tay Jim như an ủi khiến Jim bật khóc. Jim nói, mẹ đã khiến ông thêm hiểu rõ sự bao dung, rộng lượng của người Việt Nam và sức mạnh nhân nghĩa của dân tộc này…

Sau mấy hôm chuẩn bị, ngày 13/3, Jim Gion đã về nhà mẹ Nhứt với lỉnh kỉnh dụng cụ, vật liệu. Ông bảo: “Lần đầu tiên tôi làm tượng một Bà mẹ VNAH. Thật kỳ lạ, cảm giác như tôi đang làm một bức tượng về mẹ mình vậy. Tuy đôi mắt bà không còn, nhưng tôi sẽ làm tượng mẹ có đầy đủ đôi mắt. Tôi đã hình dung ra đôi mắt ấy, đôi mắt của một người phụ nữ can trường nhưng hiền từ, nhân hậu!”
Theo Thân Lai (Công an nhân dân)





Các chủ đề liên quan

- Liên kết quảng cáo -
QUANG CAO O DAY