Quảng Cáo 720x90
Searching...

Phê phán lý luận siêu hình trong bài viết “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”của Hà Sỹ Phu

Cập nhật: Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013 Hiện có: 0 bình luận Tag: , Tác giả:




Hà Sỹ Phu
Bài viết “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” được Hà Sỹ Phu cất công cho ra đời từ năm 1988. 24 năm sau, tác giả bài viết vẫn một mặt khẳng định tính đúng đắn và tự hào cho mình là người đầu tiên ở Việt Nam dám chống lại lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê Nin một cách triệt để. Hãy cùng nhau soi lại những gì mà Hà Sỹ Phu đã viết ra.
Ngay đầu bài viết Hà Sỹ Phu đã chủ trương “giải bài toán lôgíc lớn của xã hội” ta hiện nay. Tác giả coi vấn đề của xã hội là bài toán logic lớn để phân tích, tìm lời giải đáp. Điều này cũng dễ hiểu bởi Hà Sỹ Phu nguyên gốc học tập, công tác chuyên về tự nhiên, chuyên ngành sinh học. Chúng ta thấy rằng, tác giả bài viết với cách tiếp cận lôgic toán pháp siêu hình. Bản thân cách tiếp cận này sẽ cho tác giả một cái nhìn rời rạc vào từng lát cắt của xã hội trong tổng thể cái biến ảo vận động của nó. Cái nhìn rời rạc đó rất hữu ích khi ta nghiên cứu những vấn đề thuộc về tự nhiên để nắm bắt được vận động của nó. Nhưng để nắm bắt được qui luật vận động của tự nhiên thì không gì khác phải sử dụng tư duy biện chứng, tức là phải xem xét tổng thể các lát cắt trong mối quan hệ tác động qua lại với nhau. Xã hội cũng vậy, song vận động lịch sử của xã hội cực kỳ phức tạp trong mối liên hệ toàn diện, chặt chẽ. Phương pháp siêu hình sẽ chỉ cho phép chúng ta phân tích cục bộ trong từng phân đoạn cụ thể của tiến trình lịch sử xã hội. Phương pháp này đương nhiên sẽ không thể giúp chúng ta nắm bắt được sự vận động và qui luật của sự vận động lịch sử xã hội.
Với cách nhìn phân đoạn như vậy, Hà Sỹ Phu đã đi đến nhận định “…hệ thống mà ta đang khảo sát chứa đựng quá nhiều 'nghịch lý' , nếu chưa muốn nói là cấu thành bởi toàn những “nghịch lý”:
- Hệ thống "dân chủ gấp triệu lần" lại vướng mắc chính vấn đề dân chủ.
- Hệ thống tiêu biểu cho Sự thật (có các nhà xuất bản Sự thật, và chúng ta thường nói chỉ chúng ta mới có dũng cảm nói sự thật) thì đang phải cố chữa cho được bệnh nói dối.
- Hệ thống tiêu biểu cho triết học duy vật thì lại là điển hình của bệnh duy ý chí.
- Hệ thống ưu việt (tức là tốt vượt hẳn lên) , tiêu biểu cho sự giải phóng Con người thì lại không ưu việt về Quyền Con người, luôn bị chỉ trích về Quyền Con người.
- Hệ thống tiêu biểu cho sự đề cao những giá trị tinh thần thì lại 'xuống cấp những giá trị đạo đức', đang cần làm lành mạnh trở lại những quan hệ xã hội và gia đình.
- Hệ thống tiêu biểu cho tính 'nhân loại', tính 'tập thể' thì lại xuất hiện rất nhiều ví dụ về tệ sùng bái cá nhân, tập trung quyền lực vào tay một người, lấy một người trùm lên tất cả.
- Hệ thống tiêu biểu cho sức sáng tạo của trí thức (xem định nghĩa của Lênin về chủ nghĩa Cộng sản và người Cộng sản) thì vấn đề trí thức lại cứ cộm lên như một hạt nhân của toàn bộ cái hiện thực cần phải cải tổ.
- Chúng ta vẫn nói sự thắng thua giữa các chế độ rốt cuộc là ở năng suất lao động. Ta luôn nói về những "thắng lợi to lớn" nhưng chính về năng suất lao động thì ta lại thua quá xa.
- Hệ thống Xã hội chủ nghĩa được mô tả là đầy sức sống, còn chủ nghĩa Tư bản thì đang “giãy chết”. Vậy mà , trong tất cả những trường hợp quốc gia bị chia cắt làm hai thì dù chia theo kiểu nào, nửa thuộc phía “giãy chết” cũng có năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt hơn nửa kia !...”.
Kết quả đó đủ để cho chúng ta thấy được cái nhìn hạn chế trong tư duy của Hà Sỹ Phu. Nhưng đó không phải là vấn đề chính của bài viết. Từ cái nhìn phiến diện của mình, Hà Sỹ Phu đòi “xem lại một số luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, hay ít ra là xem lại cách hiểu về những luận điểm cơ bản ấy (ý nghĩ này chẳng có gì mới lạ vì chính Mác và Lênin cũng khuyên như thế và cũng từng làm như thế). Chủ nghĩa Đế quốc có thật là “giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa Tư bản” hay chỉ là một trong những bước đi ban đầu của chủ nghĩa Tư bản ? Và một khi chủ nghĩa Tư bản chưa ở giai đoạn tất yếu phải cáo chung thì điều đó có nghĩa là lịch sử chưa đòi hỏi và do đó chưa hề tạo tiền đề có một cuộc “cách mạng Xã hội chủ nghĩa” đích thực ...”
Và rồi Hà Sỹ Phu đi đến nhận định nguyên nhân của những nghịch lý nói trên là do “chúng ta đã nghĩ và làm không đúng với những quy luật khách quan nên càng về sau càng chịu sự chống trả quyết liệt của quy luật”. Hà Sỹ Phu đã nói đúng, chính ông ta là người đã nghĩ và làm không đúng với qui luật khách quan. Với tư duy siêu hình của mình, làm sao ông có thể hiểu được qui luật khách quan của vận động lịch sử xã hội, và rồi ông chỉ toàn thấy “nghịch lý” và “nghịch lý”, nhưng cũng chẳng đưa ra được dẫn chứng cụ thể. Từ kết quả nông cạn đó, ông ca ngợi phía còn lại “nhìn vào các nước tư bản đã có nền đại công nghiệp hiện nay thì ta thấy tầng lớp tiêu biểu cho khoa học, cho tri thức tiên tiến của các nước ấy không thể nào lại là công nhân của các nước ấy được, mặc dù trình độ công nhân của họ cao hơn của các nước khác rất nhiều. Xã hội càng phát triển thì sự chuyên hóa giữa công nhân và trí thức lại càng cần thiết, và hình như khi trình độ của những công nhân ấy được nâng cao lên (như ở Hoa kỳ, Nhật bản ...) thì họ lại giảm đấu tranh đi, tức là giảm sự "giác ngộ giai cấp", tức là giảm khả năng trở thành lãnh đạo cách mạng, tức là càng đi ngược lại điều kiện ước mong của Mác”.Mác không mong ước, Mác chỉ ra cho mọi người thấy sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Hà Sỹ Phu phê phán sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, ông cho rằng chỉ có “trí tuệ mới là tấm biển chỉ đường” chứ không phải tư duy khoa học; chỉ có năng suất lao động mới là yếu tố quyết định tính ưu việt của một chế độ xã hội. Tư duy siêu hình đã không thể giúp ông nhận ra được rằng, sự thay thế các hình thái kinh tế xã hội là một tất yếu lịch sử, nói cách khác bản thân Hà Sỹ Phu đã xóa nhòa ranh giới của các hình thái kinh tế xã hội.
Dĩ nhiên, phép siêu hình, tức là lôgích hình thức của ông vẫn là cần thiết bước đầu, để ghi chép những hiện tượng đơn giản trong xã hội trong trạng thái tĩnh như những nghịch lý mà ông đã nêu ra. Nhưng muốn nắm được sự vận động thực sự của xã hội thì phải có tư duy lôgic biện chứng duy vật, tức là phân tích sự liên hệ mâu thuẫn hướng tới toàn diện, đi sâu vào cả cái hệ thống mâu thuẫn lịch sử quyết định sự vận động thực sự của đời sống xã hội và con người.
Để kết luận cho bài viết của mình, Hà Sỹ Phu nêu ra cách sửa chữa là: “Tất cả các đoạn trên con dấu toán học cần phải đổi ngược lại !”; mọi người “Hãy hoài nghi tất cả!”, “xét lại” tư duy biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác.
Xin nhắc ông Hà Sỹ Phu rằng: những “nghịch lý” mà ông đã nêu ra là có trong xã hội xã hội chủ nghĩa của ta, và còn có nhiều hơn nữa. Nhưng chính những mâu thuẫn trong xã hội chính là động lực cho đường lối đổi mới của Đảng và nhân dân. Sau 25 năm thực hiện, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là sự thật không thể phủ nhận.
Những phân tích trên chắc cũng đủ để ông nhận ra những sai lầm trong tư duy khoa học của mình. Mặc dù, về vai vế trong xã hội, tôi chỉ đáng hàng con cháu của ông, nhưng về khoa học mọi người đều bình đẳng. Tôi rất mong ông đọc được bài viết này để sớm tỉnh ngộ./.
Tiềm Long (blog: tiengnoitre)





Các chủ đề liên quan

- Liên kết quảng cáo -
QUANG CAO O DAY