Quảng Cáo 720x90
Searching...

Thu hồi đất vì mục tiêu kinh tế rất dễ bị lợi dụng

Cập nhật: Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013 Hiện có: 0 bình luận Tag: , , Tác giả:



"Trong lý do Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao gồm các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nếu quy định như dự thảo sẽ rất dễ bị lợi dụng", Phó giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp góp ý.

Sáng 4/3, thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Nội lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với sự tham gia của nhiều nguyên cán bộ và lãnh đạo thành phố.
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp, quy định về thu hồi đất được người dân quan tâm. Khoản 3, điều 58 của dự thảo nêu: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội".
Ông Thiệp cho rằng ngay trong lý do Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng cũng đã bao gồm các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nếu quy định Nhà nước thu hồi đất ở các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ rất dễ bị lợi dụng.
"Thực tế trong giai đoạn vừa qua việc thu hồi đất ở một số dự án đã có chuyện vì tính chất cá nhân và một nhóm cá nhân, có việc vì lợi ích nhóm. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi đề nghị nên bỏ ý các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nội dung thu hồi đất", ông Thiệp kiến nghị.
Ông Nguyễn Trọng Tỵ đề nghị bỏ đoạn "các dự án phát triển kinh tế - xã hội" trong quy định về thu hồi đất. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chung quan điểm, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng, nếu quy định như vậy thì coi như trong mọi trường hợp đều có thể dùng quyền Nhà nước để thu hồi đất. Điều đó không bảo đảm quyền sử dụng đất là quyền tài sản được nhà nước bảo hộ như chính trong điều 58 dự thảo.
"Tôi đề nghị đề nghị bỏ đoạn các dự án phát triển kinh tế - xã hội" trong quy định về thu hồi đất", ông Tỵ nói.
Trong buổi góp ý sáng nay, nhiều đại biểu đã thống nhất về vai trò của Đảng như trong điều 4 của Hiến pháp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Tỵ, việc quy định "các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" phần nào đã bình thường hóa vai trò của Đảng. Ông góp ý, ở khoản này cần quy định là "các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật về hoạt động của Đảng".
Theo ông, cần thiết phải có điều này vì ở Việt Nam hiện nay, Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhưng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trong đó, Quốc hội là cơ quan đại diện nhân dân - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
"Quy định sẽ xác định được ranh giới cái gì thuộc về nhân dân, cái thì thuộc quyền lãnh đạo của Đảng, có như vậy mới tránh hiểu lầm rằng Đảng quyết hết mọi thứ, hạ thấp vai trò của Đảng, của nhân dân", ông Tỵ nói. Đồng thời, ông cho rằng, có luật về hoạt động của Đảng sẽ tạo đà cho vai trò lãnh đạo của Đảng một cách bền vững, lâu dài.
Đồng tình với việc làm rõ thêm trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo, song nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn lại cho rằng chưa nên đề cập tới luật hoạt động của Đảng. "Thực tế ta chưa chuẩn bị kỹ, chưa nên nêu vào luật gốc. Khi nào cần thiết tổ chức, cần thiết đề cập ta mới xem xét. Quy định như dự thảo là đủ", ông Tuấn nói.
Theo ông Phùng Hữu Phú, trong quá trình xây dựng dự thảo Hiến pháp, phương thức lãnh đạo của Đảng từng được đề cập. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Nguyên Phó chủ tịch HĐND Hà Nội Lê Quang Nhuệ nhận xét, phần nói về chính quyền địa phương của dự thảo Hiến pháp quá sơ lược. Bởi viết như trong dự thảo thì vai trò của HĐND là mờ nhạt, vai trò của đại biểu HĐND là không quan trọng. Ông đề nghị quy định về HĐND tương tự như phần nói về Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn thì cho rằng, dự thảo không quy định rõ "UBND do HĐND bầu" là hợp lý. Bởi đang thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Nếu vẫn giữ quy định UBND do HĐND bầu sẽ rất vướng khi triển khai chủ trương này.
Phát biểu tại buổi góp ý, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Phùng Hữu Phú cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Hiến pháp, phương thức lãnh đạo của Đảng đã được đề cập. Tuy nhiên, nếu đưa vào trong Hiến pháp thì quá dài nên đã được cắt bớt. "Riêng phần về chính quyền địa phương tôi đồng ý là sơ lược quá, cần bổ sung về thiết chế HĐND", ông Phú nói.
Để góp ý cụ thể thêm cho dự thảo Hiến pháp, trong tuần này, HĐND sẽ tổ chức phiên lấy ý kiến của toàn thể đại biểu hội đồng.
Nguyễn Hưng (vnexpress)





Các chủ đề liên quan

- Liên kết quảng cáo -
QUANG CAO O DAY