Hiến pháp của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Hải Yến
Nói đến Nhà nước pháp quyền là nói đến sự hiện diện của chủ nghĩa lập hiến với tính cách là biểu hiện của sự đồng thuận của mọi người dân và của xã hội.
Nhà nước và quyền lực của nó có vai trò quan trọng đại diện cho lợi ích của nhân dân nhưng phải tự đặt mình dưới pháp luật; chịu sự ràng buộc của pháp luật; tôn trọng và bảo vệ quyền con người; bảo đảm sự thượng tôn pháp luật; thực hiện sự phân quyền trong cơ chế quyền lực nhà nước, đồng thời thực hiện kiềm chế và kiểm soát quyền lực; bảo đảm sự độc lập của Tòa án.
Hiến pháp khẳng định chủ quyền của nhân dân trong nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu về sự thượng tôn trong Hiến pháp, khẳng định vị trí quan trọng hàng đầu của Hiến pháp trong đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra vai trò của Hiến pháp đối với việc tạo dựng và phát triển nền dân chủ chân chính của nhân dân, coi Hiến pháp là cơ sở để thực hiện dân chủ. Người nói: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ" .
Trên nền tảng nhận thức đó, các bản Hiến pháp ở nước ta đã lần lượt ra đời, làm nền tảng cho việc khẳng định quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng chế độ kinh tế, chế độ chính trị, bảo đảm các quyền cơ bản của con người, của công dân; tổ chức và vận hành của bộ máy nhà nước, thực hiện chính sách đối ngoại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa. Vị trí của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật đã được khẳng định thông qua việc quy định đó là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội ngày 3-6-2008 đã coi bảo đảm tính hợp hiến là nguyên tắc số một trong các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Hiến pháp lần này đã bổ sung một quy định quan trọng tại Ðiều 123: "Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý". Như vậy là lần đầu tiên Hiến pháp nước ta ghi nhận vấn đề trách nhiệm Hiến pháp như là một vấn đề quan trọng của Nhà nước pháp quyền.
Về mặt hình thức, chủ nghĩa lập hiến Việt Nam hiện đại hàm chứa ba yêu cầu cơ bản là sự hiện diện của Hiến pháp, sự tuân thủ Hiến pháp và sự tôn trọng (thượng tôn) Hiến pháp.
Về mặt bản chất, chủ nghĩa lập hiến nước ta đòi hỏi quyền lực thuộc về nhân dân là biểu hiện "sự đồng thuận của nhân dân", là sự bảo đảm cao nhất về mặt pháp lý tính chính đáng của quyền lực nhà nước. Làm theo Hiến pháp và tuân theo Hiến pháp là làm và tuân theo ý chí và lợi ích tối cao của nhân dân. Thực hiện ý chí và lợi ích của nhân dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Ý chí và lợi ích đó được biểu hiện bằng cả lời văn lẫn tinh thần của Hiến pháp. Làm trái Hiến pháp là xâm phạm chủ quyền và lợi ích của nhân dân.
Chủ quyền nhân dân và yêu cầu về sự thượng tôn Hiến pháp là yếu tố xuyên suốt bản Hiến pháp mà không chỉ liên quan đến một số điều, thậm chí một số chương của Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã xác định một loạt các nội dung liên quan đến yếu tố quan trọng này. Tại Lời nói đầu, bản Dự thảo đã xác định rõ "Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia", "nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Tại Chương I "Chế độ chính trị", đã có sự sửa đổi quan trọng nội dung của Ðiều 6 nhằm làm rõ hơn quan điểm về quyền lực của nhân dân, theo đó, nhân dân thực hiện (mà không chỉ là "sử dụng" như quy định tại Ðiều 6 Hiến pháp hiện hành) quyền lực nhà nước bằng (mà không phải là "thông qua") các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện (không chỉ "thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân").
Quy trình làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp cũng đã được đề xuất sửa đổi phù hợp với quan điểm về chủ quyền của nhân dân. Theo đó, bên cạnh một quy trình về trình sáng kiến làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp chặt chẽ, bảo đảm thẩm quyền của các cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước và việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi Quốc hội thảo luận và thông qua Hiến pháp thì khả năng về việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp đã được mở ra (Ðiều 124 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992).
Yêu cầu về thượng tôn Hiến pháp, vì vậy trở thành một giá trị của nền dân chủ pháp quyền. Ðó là cơ sở xác định quyền của nhân dân giám sát quyền lực nhà nước và đặt các thiết chế quyền lực nhà nước dưới sự giám sát của nhân dân. Thành tựu nổi bật của lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền ở nước ta trước hết là ở việc khẳng định quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan Ðảng, Nhà nước, các cán bộ, công chức phải tự đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân. Ðiều 2 của Hiến pháp đã có một bổ sung quan trọng. Ðó là yếu tố kiểm soát quyền lực trong cơ chế quyền lực nhà nước. Ðiều 4, khi hiến định về Ðảng Cộng sản Việt Nam, đã có một bổ sung phù hợp với Cương lĩnh của Ðảng: "Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình".
Từ yêu cầu về thượng tôn Hiến pháp, Nhà nước pháp quyền của chúng ta đã dần dần gắn với vấn đề về kiểm tra tính hợp hiến, về nhu cầu xây dựng cơ chế phán quyết về các vi phạm Hiến pháp trong hoạt động của các thiết chế quyền lực nhà nước. Các Ðại hội lần thứ X và XI của Ðảng đã đề ra định hướng này. Ðiều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (SÐHP) năm 1992 đã đưa ra phương án thành lập một thiết chế hoàn toàn mới là Hội đồng Hiến pháp. Có thể coi đó là bước khởi đầu thích hợp trên con đường hoàn chỉnh cơ chế này.
Nhà nước pháp quyền, Hiến pháp và việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Dự thảo SÐHP năm 1992 có những sửa đổi bổ sung rất mới và quan trọng về quyền con người, quyền công dân. Ðiều đó phản ánh đòi hỏi khách quan của việc khẳng định và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Người công dân trong mối quan hệ với Nhà nước pháp quyền là con người, mà các quyền cơ bản, thiêng liêng nhất của nó như quyền được sống, quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền sở hữu tài sản, v.v. được Nhà nước bảo vệ bằng Hiến pháp, pháp luật. Các quyền đó được mở rộng và nâng cao bao nhiêu thì quyền hạn Nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ bấy nhiêu. Nhà nước không thể tước đoạt quyền của cá nhân mà có trách nhiệm tạo lập môi trường thuận lợi để bảo vệ các quyền con người và can thiệp khi cần thiết để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền con người của một nhóm người hay một người do hành vi của người khác gây ra.
Ngay từ đầu Chương II của Dự thảo, Ðiều 15 khẳng định rõ: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.
Trong chức năng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì vấn đề bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân tập trung cao độ trong hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ công lý, bảo đảm quyền tiếp cận tư pháp và công lý cho người dân.
Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị "Về Chiến lược cải cách tư pháp" nhận định: "Ðòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa".
Nhận thức rõ vị trí vai trò của Hiến pháp, quyền công dân và quyền con người, sau hai tháng tiến hành trưng cầu ý kiến người dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đến nay Nhà nước ta tiếp tục tiến hành công việc đó. Đây là công việc cần thiết và trọng tâm trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 thành bản Hiến pháp hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình đất nước hiện nay, đồng thời khẳng đinh quyền làm chủ của công dân, Nhà nước Việt Nam là của dân, do dân và vì dân.
Bình luận trên Facebook 0 nhận xét