Quảng Cáo 720x90
Searching...

Bệnh án tâm thần - bùa của tội phạm

Cập nhật: Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013 Hiện có: 0 bình luận Tag: , Tác giả:


 Nhiều nghi phạm khi bị bắt đã dùng khổ nhục kế, đóng giả người điên gào khóc, kêu la, lăn chất bẩn... hòng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Trùm giang hồ Hùng "Máu" bị cho rằng đã vờ bị điên.
Nói đến gia đình nhiều người có bệnh án “tâm thần” nhất có lẽ nhà ông Đỗ Xuân Hùng (Hùng “Máu”, 67 tuổi, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) sẽ giật giải bởi ông Hùng và hai con trai Đỗ Xuân Hiệp (Hiệp “Máu”), Đỗ Huy Hoàng (Hoàng “Máu”) đều tâm thần. Em trai ông Hùng là Đỗ Xuân Thắng (Thắng “Què”) cũng có bệnh án tâm thần.

“Tâm thần” nhưng đại gia đình này là băng tội phạm đặc biệt nguy hiểm, gây ra hàng chục vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ở địa phương. Cả 4 “bệnh nhân tâm thần” trên đều cầm đầu các nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản...

Đặc biệt, Hoàng “Máu” giết người tại huyện Từ Liêm, Hà Nội nhưng do bị “tâm thần” nên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hiệp “Máu” cũng cầm đầu ổ nhóm cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê nhưng do “tâm thần” nên thoát án. Thắng “Què” cũng vậy.

Nguy hiểm nhất trong “gia đình tâm thần” này là ông Hùng vì không chỉ có bệnh án tâm thần mà còn có sổ thương binh. Lợi dụng điều này, ông Hùng cho vay nặng lãi, siết nợ, gây thương tích… khiến bao gia đình khốn đốn. Hàng loạt ngôi nhà ở những phố đắc địa của Thanh Hóa bị ông thâu tóm từ việc cho vay nặng lãi.

Công an Thanh Hóa lập nhiều kế hoạch bắt giữ nhưng đều không thực hiện được bởi ông “lách” kẽ hở của pháp luật. Ông này từng bị bắt quả tang khi đang cưỡng đoạt 200 triệu đồng. Sau khi gây tai nạn, ông Hùng không bồi thường cho nạn nhân còn làm ngược lại, ép họ phải mang tiền đến tận nhà “đền” cho mình. Ông ta đe dọa khống chế gia đình nạn nhân viết cam kết nhận lỗi, tự nguyện bồi thường.

Tỉnh táo là thế, nhưng sau khi bị bắt, ông Hùng lập tức “tâm thần”. Ông ta luôn kêu đau đầu, thấy có người đe dọa kê súng vào đầu dọa giết, trình bày bị tâm thần và đề nghị được đưa đi giám định.

Do ông Hùng có hồ sơ thương binh, từng có vết thương ở sọ não, lại tỏ ra có biểu hiện tâm thần nên Công an Thanh Hóa trưng cầu giám định tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Thanh Hóa. Trong 35 ngày chờ kết quả giám định, ông Hùng liên tục gào khóc, chửi bới, hò hét, kêu la, thậm chí phóng uế rồi bốc chất bẩn bôi đầy nhà, không ăn, không ngủ…

Trường hợp Lê Mạnh Lương (Việt kiều Anh) cũng tương tự. Lương bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt vì vận chuyển tới 355 bánh heroin. Lúc mới bị bắt, ông Lương cho rằng chỉ vận chuyển thuê và sau đó nghi can tự dưng bị tâm thần. Mỗi khi điều tra viên hoặc kiểm sát viên vào hỏi cung, Lương lại đờ đẫn, hỏi gì cũng không nói, không biết kể cả tên, tuổi mình. Sau đó, bố Lương đến trình bày hồi nhỏ con ông bị bom Mỹ vùi lấp…

“Nữ quái” làm trò giả điên khiến Công an Hải Phòng phải đau đầu suốt một thời gian dài là Nguyễn Thị Hồng, 59 tuổi, trú ở quận Lê Chân. Bà Hồng không bao giờ lộ mặt bán heroin, nhận tiền xong mới cho người mua đến chỗ giấu. Qua truy xét người đến mua heroin, Công an Hải Phòng bắt bà ta. Khi TAND xét xử vụ án, gia đình nộp quyển y bạ về việc bà ta bị thần kinh trầm cảm. Tòa án đã trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung. Khi có “phương thuốc mới”, bà Hồng lập tức tỏ ra ngớ ngẩn, thỉnh thoảng lại co quắp chân tay, ú ớ...

Còn nữ quái Lê Thị Bưởi trong vụ án Đỗ Thị Ngọc cùng đồng bọn mua bán gần 200 bánh heroin ở Hà Nội cười sằng sặc như điên dại mỗi khi phải trả lời điều tra viên. Cô ta cười hàng giờ đồng hồ đến độ… ngất đi để không phải trả lời câu gì.

Theo quy định, người gây án do mất năng lực hành vi - nói nôm na là mắc bệnh tâm thần thì được đi chữa bệnh bắt buộc. Lợi dụng điều này, hàng loạt nghi can sau khi gây án bỗng nhiên mắc bệnh “tâm thần”. Thậm chí, có những kẻ chuẩn bị sẵn bệnh án tâm thần trước khi thực hiện hành vi phạm tội, có kẻ đi đâu cũng kè kè bệnh án bên người. Điển hình nhất phải kể đến trường hợp anh, em, bố con nhà Hùng “Máu".

Nguyễn Văn Vi (Vi "Ngộ") ở Thanh Hóa cũng như vậy. Dù là đại ca, cầm đầu băng nhóm hàng chục tên chuyên tổ chức đánh bạc, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê… nhưng với bệnh án tâm thần, suốt 5 lần TAND huyện Hà Trung xét xử, Vi đều không có mặt vì đi chữa bệnh “tâm thần”. Thậm chí, có lần, khi tòa chuẩn bị xét xử, Vi cho ong đốt đến sưng tím mặt mũi để không phải ra tòa...

Trường hợp được đặc biệt chú ý là ba giang hồ có “số má” ở Hải Phòng lợi dụng “bảo bối” tâm thần để được đi bắt buộc chữa bệnh. Đó là Mai Đức Vượng, Đào Duy Tuấn (Tuấn “Tượng”) và Đào Văn Thắng (Thắng “An dương”).

Tộ “Tích” thì chỉ đạo đàn em gây ra một loạt vụ thanh toán đối phương, bị truy nã. Trốn ra nước ngoài, hắn vẫn chỉ đạo đàn em gây án ở trong nước. Sau khi bị bắt, Tộ “Tích” bỗng dưng có bệnh tâm thần, được đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Công an Hải Phòng ra quyết định tạm đình chỉ điều tra. Trong thời gian đi “chữa bệnh” nhưng Tộ “Tích” vẫn cùng với một nhóm đàn em mang súng K54 đi thanh toán con nợ.

Tương tự, Vượng, Tuấn “Tượng” và Thắng “An dương” sau khi bị cơ quan Công an sờ gáy cũng trưng ra bệnh án tâm thần để xin đi chữa bệnh. Nhưng thực tế, sau đó chúng vẫn ở Hải Phòng tiếp tục bảo kê, đòi nợ…

Theo Công an nhân dân





Các chủ đề liên quan

- Liên kết quảng cáo -
QUANG CAO O DAY