Chúng ta cần nhìn lại để thay đổi
Cập nhật:
Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014
Hiện có:
0 bình luận
Tag:
Chính trị, Tiêu Điểm
Tác giả:
Nguyen Anh
Hơn lúc nào hết, cả dân tộc đang sục sôi vì sự căng thẳng từng giây từng phút trên biển Đông. Chúng ta luôn nói rằng Trung Quốc thế này thế nọ, Trung Quốc đã quá ngang ngược và hung hãn trong vấn đề muốn thâu tóm biển Đông hay trong đối xử với các nước láng giềng. Nhưng tôi cũng như ai hết luôn tin rằng thách thực luôn đi đôi với cơ hội, và muốn có được cơ hội chúng ta cần nhìn ra và biết phải xử trí làm sao để cơ hội đó thực sự là của chúng ta.
Khách quan mà nói thì tất cả các nước xung quanh Trung Quốc, tất cả đều bị Trung Quốc gây hấn, chiếm một phần lãnh thổ. Từ những nước lớn như Nga, Ấn Độ, Triều Tiên…Và chủ nghĩa bành trướng đại Hán là động lực cho các cuộc xâm lược của Trung Quốc. Trung Quốc có yêu sách lãnh thổ đối với tất cả các Quốc gia láng giềng và mãi không bao giờ thay đổi, không thể thỏa mãn được lòng tham của chúng. Có thể nói rằng “máu bành trướng” có trong tất cả mọi nhà cầm quyền Bắc Kinh và tồn tại ở mọi thời đại. Trung Quốc mãi là hiểm họa cho tất cả các dân tộc bé nhỏ bên cạnh. Sự kiện Trung Quốc đưa dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam lần này theo bản thân tôi có thể coi như là một cột mốc đánh dấu một thời kỳ của chủ nghĩa bành trướng hiện đại theo di nguyện của Mao Trạch Đông. Bản thân Mao Trạch Đông đã từng khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo… Một vùng như Đông Nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”. (Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, NXB Sự Thật, 1979).
Chủ nghĩa bành trướng của Đại Hán
Vậy, từng đường đi nước bước của Trung Quốc luôn nằm trong âm mưu độc chiếm Đông Nam Á cũng như toàn bộ biển Đông. Những mỹ từ ngoại giao như 4 tốt, 16 chữ vàng tất cả đều là giả dối, đó chỉ là những thứ tạm thời mà Trung Quốc đang đưa ra với Việt Nam. Trong đó không bao giờ có mỗi quan hệ chân thành, có chăng thì Trung Quốc đang không muốn Việt Nam biến thành một tiền đồn của Mỹ như Philipine, Nhật Bản hay Hàn Quốc mà thôi. Đó là thứ ràng buộc duy nhất khiến Trung Quốc do dự và e dè trong việc “cầm dao thọc vào Việt Nam”. 16 chữ vàng không hơn không kém là thứ giẻ rách mà Trung Quốc đang trưng ra để lừa bịp Việt Nam và thế giới. Trung Quốc sẽ mãi có tham vọng biến Việt Nam thành một Tây Tạng hay Tân Cương tiếp theo. Vì vậy chúng ta cần có sự thay đổi.
Tôi nghĩ, hơn bao giờ hết Việt Nam cần phải hiểu “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn”, chúng ta không thể tin được Trung Quốc, nhưng Nga cũng càng khó tin được. Nga đã được Trung Quốc tặng một phiếu trắng trong vấn đề Crime nên sẽ chẳng quan tâm tới Việt Nam, hơn nữa đường lối ngoại giao của Nga là bỏ rơi đồng minh từ xưa tới nay. Còn Mỹ, Mỹ mãi vẫn mưu đồ với Việt Nam. Và lợi ích của Mỹ cũng lớn nhưng để dang tay cứu giúp Việt Nam là không bao giờ, mà Mỹ cũng chỉ chờ để trục lợi. Chúng ta nên nghĩ đến Nhật, Ấn Độc. Nhật cũng có những lợi ích của họ, nhưng họ đang bị hạn chế bởi Hiến pháp đồng minh thảo ra năm 1946. Họ cũng rất lo lắng trước những chính sách của Nga và Mỹ trong việc Trung Quốc liên tiếp gây hấn ở biển Đông và biển Hoa Đông. Ấn Độ là nước đang bị Trung Quốc xâm chiêm một phần lãnh thổ và có những sự thiện cảm đối với Việt Nam. Hai nước trên cũng đang có sự phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật. Vì thế nếu có thể chúng ta nên có những bước đi táo bạo hơn trong mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước như như Nhật, Ấn Độ…và nhiều nước khác nữa. Đây có thể là thời cơ để chúng ta thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc. Nếu như cả ngàn năm Bắc Thuộc trước đây chúng ta bị đô hộ, bị cai trị, nhưng nó không đáng sợ như sự áp đặt và kiềm tỏa về kinh tế như hiện nay. Chúng ta đang có những sự lệ thuộc không hề nhỏ về kinh tế vào Trung Quốc khiến cho đất nước mất đi sự tự chủ và thăng bằng nếu có bất trắc. Cán cân thương mại Việt Nam Trung Quốc vẫn hàng chục tỉ đô la một năm. Chúng ta đã mãi quen với thị trường Trung Quốc trong khi chưa thực sự hội nhập sâu rộng vào các thị trường khác.
Sự hợp tác và trao đổi không chỉ là về kinh tế, chúng ta cần suy nghĩ lại cả về giáo dục và Quốc phòng…Quân đội của chúng ta đã từng một thời oanh liệt, nhưng đó là chúng ta quyết tử với quân thù trên bộ. Nay mặt trận biển có lẽ sẽ phải khác, khoa học và kỹ thuật đã giành ưu thế. Đã đến lúc dân tộc chúng ta biết trận trọng những thành quả cách mạng, biết tự hào về những chiến thắng lịch sử của chúng ta trước Pháp và Mỹ nhưng đừng dùng chiến tranh để làm cái cớ cho những tàn tích lạc hậu và kém phát triển nữa. Đã đến lúc cần phải thức tỉnh rằng chúng ta đang ở đâu, sự tồn vong của dân tộc sẽ thế nào khi nằm bên một nước lớn đầy thủ đoạn bỉ ổi và đầy tham vọng bành trướng. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc những vấn nạn và những vấn đề xã hội hết sức bức xúc khác như tham nhũng, tình trạng giáo dục chụp giựt tụt hậu, vấn nạn bằng cấp…Đó chính là những kẻ thù nguy hiểm nhất tiêu diệt những mầm mống phát triển của dân tộc, là kẻ thù tiếp tay cho giặc ngoại xâm. Chúng ta cần hơn sự thay đổi nghiêm túc, sử dụng nhân tài cũng như xây dựng lại và tham gia các hệ thống kinh tế mới của thế giới. Nói cách khác chúng ta cần thay đổi để diệt hết giặc nội xâm, mở rộng quan hệ với thế giới, giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc…từ đó mới phát huy được lợi thế, tạo ra được thế và lực cho đất nước. Có thế mới mong thoát khỏi nạn bành trướng của giặc Tàu.
Dân tộc Việt Nam mãi trường tồn nếu luôn phát huy được tính tự cường của bản thân cũng như khôn khéo trong đối ngoại và luôn phải kiêng dè với kẻ thù. Vì vậy lúc này là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, cần một sự thay đổi dần về mọi mặt, có lẽ sự phát triển hay tụt hậu, sự hưng thình hay bại vong của dân tộc sẽ nằm trong những tư duy và thay đổi của chúng ta ngày hôm nay.
Quốc Thái
Bình luận trên Facebook 0 nhận xét