Quảng Cáo 720x90
Searching...

VẠCH MẶT MƯU ĐỒ CỦNG CỐ TỪNG BƯỚC “ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG” CỦA TRUNG QUỐC

Cập nhật: Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013 Hiện có: 0 bình luận Tag: , , , Tác giả:


Biển Đông có vị trí, vai trò quan trọng trong chiến lược đối với Trung Quốc (TQ). Biển Đông được xem là nơi khởi đầu của TQ trong tham vọng trở thành một cường quốc biển. Nếu không có Biển Đông, lối ra để trở thành cường quốc biển hay siêu cường quốc chỉ là ảo tưởng. Nắm được Biển Đông, TQ sẽ giành được thế chủ động và vươn ra Thái Bình Dương. Kiểm soát được Biển Đông, mở rộng biên giới biển TQ sẽ khẳng định được sức mạnh của mình, nâng cao tầm ảnh hưởng với các nước trong khu vực, phục vụ phát triển kinh tế nội địa, tạo đối trọng với Mỹ và Nhật Bản, Ấn Độ... phát triển đất nước trở thành cường quốc số một thế giới.
Hải Giám Trung Quốc tung hoành trên Biển Đông
TQ xem Biển Đông là một trong những “lợi ích cốt lõi” của mình như vấn đề Tây Tạng, Đài Loan và Tân Cương. Điều đó có nghĩa Biển Đông là một phần chủ quyền của TQ và TQ sẽ áp dụng các biện pháp quân sự để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình. Âm mưu ý đồ “độc chiếm Biển Đông” của TQ ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt là sự kiện năm 2009, TQ đưa ra yêu sách đòi chủ quyền theo “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường 9 đoạn” hoặc “đường chữ U”). “Đường lưỡi bò” do chính quyền quốc dân Đảng vẽ năm 1974, về phạm vi hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân TQ, nhưng sau đó phía TQ viện cớ “đường lưỡi bò” để thực thi yêu sách đòi chủ quyền. “Đường lưỡi bò” không có căn cứ pháp lý, hoàn toàn áp đặt.

TQ xác định “Biển Đông là vấn đề chiến lược, ổn định Biển Đông có liên quan đến ổn định nội địa TQ”; cần có sách lược xử lý linh hoạt, kiên trì giải quyết “song phương”, tránh đa phương, quốc tế hóa, ngăn chặn Mỹ và phương Tây can dự.

Thời gian gần đây, TQ tăng cường sức mạnh Hải quân, dân sự hóa hoạt động tuần tra, kiểm soát và sử dụng lực lượng này tấn công, cản phá hoạt động kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, cố ý tạo khu vực tranh chấp mới trong cùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, gia tăng áp lực ép Việt Nam chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” theo các điều kiện của TQ. Cụ thể là:

+ Củng cố cơ sở pháp lý phục vụ cho đòi chủ quyền TQ ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò”. TQ chủ động xây dựng, ban hành hàng loạt văn bản pháp lý liên quan việc thực thi yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” như thông qua Luật bảo vệ hải đảo (2009); kiện toàn bộ máy nhà nước về quản lý biển, hải đảo (lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam năm 2007); ban hành “Đề cương quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia”(2008); “Quy hoạch tổng thể về biển TQ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” (2008); “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010 – 2020” (năm 2010); Tỉnh Hải Nam ban hành “Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh 5 năm lần thứ 12” (3/2011), trong đó có nội dung đẩy mạnh quy hoạch khai thác quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

+ Đầu tư hiện đại hóa quân đội và các lực lượng chấp pháp trên biển, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, khống chế Biển Đông. Ngân sách quốc phòng hàng năm được tăng mạnh (năm 2009 là 71 tỷ USD, năm 2010 là 78 tỷ USD, năm 2011 là 91,5 tỷ USD, năm 2012 là 117 tỷ USD). Mục tiêu chiến lược của TQ là tập trung đầu tư cho Hải Quân, Không quân và bố trí binh lực cho khu vực Biển Đông.

Tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển, Tổng đội Hải Giám Nam Hải cho thành lập các Chi đội tuần tra kiểm soát các khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; trang bị thêm cho Tổng đội ngư chính 36 tàu tuần tra (hiện là 360 chiếc). Các lực lượng Ngư chính, Hải giám, Hải tuần, Hải sự phối kết hợp Hạm đội Nam hải sử dụng các tàu hiện đại tăng cường tuần tra khu vực quần đảo Hoàng sa và mở rộng xuống phía Nam Trường Sa dọc theo “đường lưỡi bò”. Hàng năm, TQ đơn phương ra Tuyên bố Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, gia tăng các hoạt động khống chế và uy hiếp ngư dân của các nước xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam.

+ Thúc đẩy các hoạt động “dân sự hóa” nhằm tạo lợi thế trong giải quyết tranh chấp. Đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng chủ trương đưa dân ra cư trú lâu dài ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa); khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các đảo chưa có người ở. Tăng cường các hoạt động ngư nghiệp tại Hoàng Sa, Trường Sa, họ xác định tăng cường tàu cá hoạt động trong vùng biển tranh chấp là một phần quan trọng của học thuyết “chiến tranh nhân dân”, coi ngư nghiệp là biện pháp quan trọng để duy trì chủ quyền theo “đường lưỡi bò”, dùng tàu cá chiếm thực địa, kết hợp ngăn cản, tấn công tàu nước khác. Thúc đẩy hợp tác với nước ngoài thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông.

+ Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền yêu sách “đường lưỡi bò”, kích động, chia rẽ, làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp ở Biển Đông. Từ năm 2009, TQ đã lấy ngày 18/7 làm ngày “ngày tuyên truyền về biển”; từ tháng 10/2010, TQ đưa bản đồ “đường lưỡi bò”lên trang web của Chính phủ, đưa vào sách giáo khoa giảng dạy ở các cấp học và trong nhiều tài liệu, sách báo, vật phẩm lưu hành rộng rải, công khai trắng trợn,…

+ Thúc đẩy quan hệ với Mỹ, tranh thủ và chia rẽ các nước ASEAN; gia tăng áp lực ép Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Với Mỹ, TQ xoa dịu không có ý “thách thức” quân đội Hoa Kỳ, nhấn mạnh nguyên tắc “chú ý lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm quan trọng của nhau”; ráo riết vận động Mỹ ủng hộ lập trường của TQ, thậm chí đe dọa Mỹ không nên can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Với ASEAN, TQ thực thi chính sách “chia để trị”, mở các chiến dịch cử nhiều đoàn đi từng nước vận động, thông qua chiêu bài kinh tế như dãn nợ, xóa nợ, tăng cường viện trợ, cho vay vốn, hợp tác đầu tư để tranh thủ, lôi kéo, phân hóa, chia rẽ ASEAN trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Với Việt Nam, họ liên tục giao thiệp ngoại giao với thái độ nước lớn để ép Việt Nam, phía TQ kiên quyết không chấp nhận đưa Hoàng Sa vào nội dung đàm phán, cho rằng “Hoàng sa thuộc Trung Quốc là không bàn cãi” và Hoàng Sa không có tranh chấp; đòi Việt Nam chấp nhận giải pháp “gác tranh chấp, cùng khai thác” và sẽ “không từ bỏ”…Nhưng lại đề nghị Việt Nam “nên xuất phát từ đại cục, đối thoại, không đối kháng”, trao đổi nội bộ, không công khai bất đồng; kiên trì “hiệp thương” song phương, không để “thế lực bên ngoài” can thiệp; tích cực thúc đẩy “hợp tác, cùng khai thác”, không áp dụng “hành động đơn phương”…

Tất cả các hoạt động trên của TQ đều hướng đến thực hiện mưu đồ “độc chiếm Biển Đông”, các hành động đó vi phạm nghiêm trọng luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam. Các hành động đó của TQ chỉ làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. 
Người Nổi Tiếng





Các chủ đề liên quan

- Liên kết quảng cáo -
QUANG CAO O DAY