CHÍNH SÁCH CỦA MỸ TẠI BIỂN ĐÔNG
Cập nhật:
Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013
Hiện có:
0 bình luận
Tag:
Chính trị, Tiêu Điểm
Tác giả:
Nguyen Anh
Sau một thời gian dài hiện diện ở Trung Đông và Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã “chuyển trọng tâm” sang Châu Á để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Biển Đông trở thành trọng tâm trong chiến lược “tái cân bằng Châu Á” của chính quyền Obama. Sự chuyển dịch trong chính sách của Mỹ mang tính toàn diện. Về chính trị và ngoại giao, Mỹ can dự sâu hơn ở Châu Á – Thái Bình Dương thông qua việc tăng số lượng các cuộc viếng thăm khu vực của Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức cấp cao khác. Về mặt kinh tế, sau khi phê chuẩn Hiệp định mậu dịch tự do với Hàn Quốc, Mỹ tập trung vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP mang thành tố chiến lược nhằm tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để đối trọng với các cơ chế kinh tế đa phương với Trung Quốc làm trung tâm như CAFTA, ASEAN+3. Về quân sự, dù ngân sách chung bị cắt giảm, nhưng ngân sách dành cho Bộ tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (PACOM) không bị ảnh hưởng. Ngược lại, Mỹ còn tăng cường phạm vi hiện diện các lực lượng PACOM, bao gồm “trạm quân sự” mới tại Úc. Mỹ đang lên kế hoạch chuyển phần lớn hải quân tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố rằng 60% tàu chiến Mỹ sẽ đóng ở Thái Bình Dương đến năm 2020. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Mỹ còn tăng cường hợp tác với Nhật và Philippines về các vấn đề an ninh biển.
Tàu sân bay USS Geogre Washington tại Biển Đông |
Tại ARF-17 năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lần đầu tiên tuyên bố lợi ích quốc gia của Mỹ tại Biển Đông, trong đó có tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp và hoạt động thương mại không bị cản trở. Mỹ cũng gián tiếp bác bỏ bất cứ lập luận nào về “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” của đường lưỡi bò, điều này được thể hiện qua phát biểu của bà Clinton rằng: “Theo như luật tập quán quốc tế, các yêu sách hợp pháp đối với các vùng biển tại Biển Đông chỉ có thể xuất pháp từ các yêu sách hợp pháp đối với các thực thể đảo”. Phát biểu tại một phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thương viện Mỹ, Ngoại trưởng Clinton nói rằng: “các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông vượt qua những gì mà UNCLOS cho phép”.
Là siêu cường duy nhất, Mỹ có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông trên nhiều khía cạnh:
(1) duy trì trật tự trên biển do Mỹ làm chủ đạo, bao gồm cả luật biển quốc tế theo cách giải thích của Mỹ, đặc biệt là về tự do hàng hải - trong đó có tự do hoạt động của tàu quân sự Mỹ;
(2) bảo vệ lợi ích các đồng minh, đặc biệt là các tuyến đường biển chiến lược của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines;
(3) kiểm soát sự lớn mạnh của (hải quân) Trung Quốc để đảm bảo rằng sự phát triển của quốc gia này không đảo lộn hệ thống hiện tại do Mỹ chi phối;
(4) bảo đảm lợi ích của các tập đoàn dầu khí Mỹ trong khu vực. Những lợi ích này đều mang tính căn bản và bất biến; sẽ rất khó cho Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc vì tất cả những lợi ích đó đều gắn chặt với vị thế lãnh đạo mà Mỹ mong muốn duy trì trong hệ thống toàn cầu hiện nay.
Chính vì vậy, trong giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp tại Biển Đông, mặc dù Chính phủ Mỹ luôn công khai bày tỏ quan ngại và phê phán hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc tại Biển Đông, tuyên bố không đứng về phái bên nào trong giải quyết tranh chấp, ủng hộ giải pháp “đa phương”, khuyến khích Trung Quốc – ASEAN hoàn tất Thỏa thuận thực thi Tuyên bố DOC và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử COC nhưng trên thực tế Mỹ vẫn có những động thái thể hiện sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông một cách rõ nét, như: thúc đẩy liên minh chiến lược với đồng minh ở khu vực (Philippines, Thái Lan), điều tàu khu vực USS Chung – hoon và tàu sân bay USS Geogre Washington đến Biển Đông và tiến hành tập trận chung thường niên với Philippines. Điều đó, dẫn đến có những quan điểm cho rắng, thực chất chủ trương của Mỹ tại Biển Đông là duy trì mâu thuẩn xung đột để “làm trọng tài” trong giải quyết tranh chấp, tạo cớ can dự “quay trở lại Đông Nam Á”.
Các động thái và bước đi gần đây của Trung Quốc mặc dù gây ra nhiều vấn đề phức tạp ở Biển Đông, gia tăng căng thẳng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền của các nước xung quanh Biển Đông nhất là đối với Philippin và Việt Nam nhưng các hành động đó chưa ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ tại Biển Đông. Chính vì vậy Chính phủ Mỹ chưa có chưa có phản ứng quyết liệt hay hành động mạnh nào tại khu vực Biển này.
Người Nổi Tiếng
Bình luận trên Facebook 0 nhận xét