VANG LÊN QUỐC CA - NIỀM TỰ HÀO CỦA DÂN TỘC
Cập nhật:
Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013
Hiện có:
0 bình luận
Tag:
Tiêu Điểm, Tin tức
Tác giả:
Nguyen Anh
Tự hào khi vang lên lời bài quốc ca, càng tự hào hơn nữa khi vang lên Quốc ca trong lễ truy điệu tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân ta dành cho Đại tướng, lời Quốc ca là lời của non sông, lời của dân tộc. Dân tộc ta tự hào có những người con anh hùng, trong số đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người đã khiến quân thù “khiếp sợ, kính phục” bởi tài năng và nhân cách. Đại tướng mất đi nhưng ông đã truyền lại cho nhân dân Việt Nam niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, sự trường tồn của dân tộc; ông đã trở thành tấm gương sáng để thanh niên Việt Nam noi theo học tập. “Thác là thể phách, hồn là tinh anh” hình ảnh Đại tướng sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Trong giờ phút tiễn biệt Người, lời bài Tiến quân ca lại vang lên. Đây cũng là dịp chúng ta tìm hiểu thêm về Quốc ca của đất nước để nhân lên niềm tự hào dân tộc Việt Nam.
Quốc cađược hiểu là một tác phẩm âm nhạc nói chung mà ở đó nó khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào về lịch sử, ca ngợi truyền thống đấu tranh của nhân dân quốc gia đó, được Chính phủ của đất nước đó công nhận là bài hát chính thức của quốc gia hoặc được người dân sử dụng như một thông lệ. Quốc ca được sử dụng trong các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội, ngoại giao với tư cách là nghi thức quốc gia, đồng thời cũng gắn liền với các sự kiện thể thao mang tầm vóc quốc tế.
Trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao cấp Nhà nước, các quốc gia nước sở tại đều đón tiếp đoàn Lãnh đạo các nước viếng thăm bằng nghi thức trang nghiêm, long trọng, trong đó không thể thiếu Quốc ca của cả hai quốc gia đó. Điều đó thể hiện sự tôn vinh truyền thống văn hóa quốc gia dân tộc cũng như sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế.
Quốc caở mỗi nơi mang một dáng vẻ riêng. Ở một số nước, Quốc ca là bài ca về Đấng sáng tạo, về Hoàng gia: Quốc ca Anh có tên Chúa bảo vệ Nữ hoàng (God Save The Queen), Quốc ca New Zealand là Chúa chở che New Zealand (God Defend New Zealand), Thụy Sỹ đưa Thánh ca thành bài hát thiêng liêng nhất của dân tộc - Thánh ca Thụy sỹ (Swiss Psalm), Ả Rập Saudi khắc họa vị thế của Quốc vương trong lòng dân tộc với Quốc vương muôn năm (Aash Al Maleek), còn Tây Ban Nha là Hành khúc Hoàng gia (Marcha Real)... Và ở nhiều nước khác, quốc ca là tình yêu nước thiết tha, là niềm tự hào thiêng liêng của dân tộc: Mỹ với Ngọn cờ lấp lánh sao (The Star - Spangled Banner), Áo với Đất của núi, Đất trên sông (Land der Berge, Land am Strome), Malaysia với Tổ quốc tôi (Negaraku), Bulgaria với Hỡi đất Mẹ (Mila Rodino), Na Uy với Vâng, Chúng ta yêu đất nước này (Ja, Vi Elsker Dette Landet), Hàn Quốc và Triều Tiên là Ái quốc ca (Aegukka)... Nhưng quy tựu lại, Quốc gia thể hiện bản sắc văn hóa thiêng liêng của mỗi dân tộc, nhân cách cao đẹp của nhân dân các nước và sự gắn bó thủy chung với mảnh đất nơi họ được sinh ra.
Quốc ca Việt Nam là bản anh hùng ca vĩ đại của non sông Việt Nam, của mỗi con người Việt Nam. Ở nước ta, Quốc ca có tên gọi ban đầu là Tiến quân ca do cố nhạc sỹ Văn Cao sáng tác năm 1944, bắt nguồn từ phong trào Việt Minh. Ngày 17/8/1945, Tiến quân ca lần đầu tiên được hát trước quần chúng tại một cuộc mít tinh của công chức Hà Nội trước Nhà hát lớn và đã được quần chúng chào đón nhiệt liệt. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã duyệt và lựa chọn bài Tiến quân ca là Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Quốc ca hun đúc cho mỗi người dân Việt Nam một lòng nồng nàn yêu nước, niềm tự hào dân tộc sâu sắc, tôi rèn bản lĩnh tự cường dân tộc, thắt chặt tình cảm gắn bó máu thịt với quê hương, xứ sở. Dù ở đâu, trong những hoàn cảnh nào, khi bài Quốc ca được cất lên, mỗi người dân Việt Nam đều trang nghiêm và thành kính, kiêu hãnh và tự hào hướng tới lá cờ đỏ thắm máu cha anh - nơi đó là Tổ quốc thân yêu, là niềm kiêu hãnh, tự hào dân tộc.
Hiện nay, xoay quanh vấn đề sửa đổi Quốc ca vẫn còn nhiều tranh luận. Với ý kiến cá nhân, tôi cho rằng không nên sửa đổi và không thể sửa đổi một ca khúc đã đi vào lòng người, bản thân nó đã tự xây cho mình một tượng đài lịch sử. Tiến quân ca ra đời trong bối cảnh lịch sử là khi đất nước mới thoát khỏi ách nô lệ, ca khúc thể hiện sự vùng lên của cả dân tộc đấu tranh vì mảnh đất thân yêu. Trên chặng đường gần 70 năm qua, Tiến quân ca vẫn thể hiện một sức sống bền bỉ trong trái tim nhân dân Việt Nam, khắc họa được lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, và hơn nữa, đó là lời thề danh dự của mọi công dân Việt Nam sẽ kiên định bảo vệ thành trì độc lập của Tổ quốc, để non sông Việt Nam mãi vững bền.
Quốc ca là ca khúc của lòng dân, là linh hồn của dân tộc. Một minh chứng là ở nước Úc, mặc dù đã có Quốc ca với tên gọi Nước Úc tiến bước hùng cường (Advance Australia Fair), nhưng trong trái tim mỗi người dân Úc, ca khúc Lên đường nào (Waltzing Matilda) - một ca khúc rất bụi bậm và phóng khoáng kể về câu chuyện của chàng chăn cừu làm thuê lang thang vì ăn cắp một con cừu mà khi chủ sở hữu và ba cảnh sát đến bắt đã nhảy xuống hồ nước tự tử, thể hiện nét tính cách rất phóng khoáng, yêu tự do của người Úc - mới chính là Quốc ca của dân tộc họ. Và ca khúc đó được coi là Quốc ca không chính thức của Úc (“the unofficial national anthem of Australia” - The National Library of Australia, được khôi phục lại ngày 14/3/2008) bởi vì nó được xây dựng từ chính cuộc sống, hòa nhịp và đồng điệu với tâm hồn của mỗi người dân Úc. Và ca khúc Tiến quân ca cũng mang trên mình dáng hình dân tộc, lòng yêu nước sâu sắc và lý tưởng cao đẹp của nhân dân. Do đó, Tiến quân cađã trở thành bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc, là ca khúc của mọi người dân, ca khúc làm nên lịch sử không gì có thể thay thế được!
Thanh niên Việt Nam hát Quốc ca với lòng tự hào và ý thức tự tôn dân tộc |
Đối với mỗi người con xa xứ, Quốc ca khơi dậy lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước, hướng mỗi con người về với cội nguồn của mình. Những ngày qua, trong nỗi tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiếng nói chung của tấm lòng người Việt Nam ở nước ngoài dành cho Đại tướng, cho dân tộc chính là khi chúng tôi hát Quốc ca. Đó là sự sẻ chia nỗi đau, sự mất mát lớn của dân tộc, là sự kết nối lịch sử, là vòng tay lớn đoàn kết quốc gia mà chúng mỗi chúng con xin thề trước anh linh Đại tướng. Ngày hôm nay, không được hòa chung dòng người đưa tiễn Đại tướng về quê hương Quảng Bình, mỗi chúng con sẽ tiếp tục hát Quốc ca để ngọn lửa yêu nước vẫn tiếp tục tỏa sáng, để thiên anh hùng ca về Người tiếp tục vang mãi với núi sông.
Jakey Chan
Bình luận trên Facebook 0 nhận xét