Quảng Cáo 720x90
Searching...

Xin tiễn biệt người: Vị Đại tướng của nhân dân

Cập nhật: Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013 Hiện có: 0 bình luận Tag: , Tác giả:


          Đại tướng Võ Nguyên Giáp: con người tiểu biểu của thế hệ Hồ Chí Minh, vị đại tướng vĩ đại với thiên tài quân sự, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã từ trần vào 18h09’ ngày 04/10/2013. Đây là một sự mất mát to lớn của dân tộc Việt Nam ta, với bạn bè, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
1, Cuộc đời hoạt động chính trị của Đại Tướng
          Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 trong một gia đình nhà nho yêu nước. Thân phụ là ông Võ Quang Nghiêm(Võ Nguyên Thân), một nhà nho đức độ và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Kiên.
          Sinh ra trong một gia đình nề nếp, một vùng quê tuy nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng lại được giáo dục nghiêm khắc nên từ rất sớm Đại tướng đã giàu lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp và mong muốn giải phóng dân tộc. Người hăng hái tham gia hoạt động cách mạng từ thời còn học sinh:
          Từ năm 1925 đến 1926, Đại tướng tích cực tham gia phong trào học sinh ở Huế cùng với một số thanh niên yêu nước khác như: Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn; năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (Một tổ chức yêu nước của thanh niên Việt Nam thời đó-một tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam về sau)
          Tháng 10/1930 trong phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh Đại tướng bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, Đại tướng tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, Đại tướng hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”... Tham gia phong trào Đông Dương đại hội, Đại tướng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.
          Tháng 6/1940, Đại tướng chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó không lâu Đại tướng với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh.
          Đầu năm 1941, Đại tướng về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng.
           Tháng 12/1944, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
         Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, Đại tướng được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, Đại tướng là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
Tháng 8/1945, Đại tướng được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Đại tướng được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
          Tháng 3/1946, Đại tướng là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1/1948, Đại tướng được phong quân hàm Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
           Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại tướng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
             Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đại tướng là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
             Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
              Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
               Từ tháng 1/1980, Đại tướng là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Đại tướng liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
2, Vị đại tướng với những chiến công hiển hách
          Nói đến đại tướng Võ Nguyên Giáp chúng ta không thể nói đến những chiến công lẫy lừng trên mặt trận quân sự của Người, chính những chiến công đó đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc của dân tộc Việt Nam ta, những chiến công đó đã nâng tầm đại tướng lên với tư cách là một nhà chỉ huy quân sự lẫy lừng của dân tộc cũng như thế giới, một danh tướng tài ba của nhân loại. Sau đây là một số chiến công quân sự tiêu biểu của đại tướng:
*Chiến công đầu tiên
          Cuối năm 1944, nhận được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập một lực lượng vũ trang tập trung để đẩy mạnh công cuộc xúc tiến chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 22 tháng 12 năm 1945 Võ Nguyên Giáp đọc chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc tỉnh Cao Bằng). Đội do Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy chung, đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng.
          Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp đội đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) mở đầu cho truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam về sau.
          *Chiến thắng Điện Biên Phủ
          Năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bước vào giai đoạn cuối, để cứu vãn tình thế và tìm ra một giải pháp rút lui “trong danh dự” Pháp đã cử Nava sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh tại Đông Dương. Nava vạch ra kế hoạch Nava bình định Việt Nam trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, kế hoạch này từng bước bị quân và dân ta làm pha sản. Nava buộc phải tập trung quân tại Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ thành một cụm cứ điểm phòng thủ mạnh với 3 phân khu, 12 tiểu đoàn (16.200 quân), được sự hỗ trợ tối đa của không quân. Ý đồ địch muốn biến Điện Biên Phủ thành một Vec doong thứ 2 thu hút quân ta tấn cống vào và tiêu diệt.
         Nắm được ý đồ của địch Trung ương Đảng và Bộ tổng tham mưu đã quyết định chọn ĐBP làm nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược quyết định và buộc phải thắng, nếu thua ta sẽ “cạn hết vốn”.
           Ngày 14 tháng 1 năm 1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là 20 tháng 1.  Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu, đã được Trung ương Đảng Lao động Việt nam, Quân ủy Trung ương cùng Bộ Tổng tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự trung ương Trung Quốc, bởi đánh sớm khi Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng.
            Tuy nhiên, đây là phương án khá mạo hiểm không đảm bảo chắc chắn thắng lơi trong khi chiến dịch này ta buộc phải thắng, không thể thua. Trong thời khắc quyết định đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những nhận định đúng đắn, Đại tướng nhận định rằng phương án "Đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án "Đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm.
           Cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy QĐNDVN sáng 26 tháng 1 không đi đến được ý kiến thống nhất tuy không ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng. Tuy nhiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó. Ông kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra.
             Chính những quyết định sáng suốt đó của Đại tướng đã có phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu ngay sau đó.
*Chiến thắng mùa xuân 1975
            Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 7-10- 1914) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
            Chiến thắng Phước Long và tình hình chiến sự sau Phước Long giúp Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch hai năm (1975-1976) hoàn toàn giải phóng miền Nam.
             Bộ Chính trị đề ra kế hoạch hai năm, nhưng lại nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ "Nếu thời cơ đến vào đẩu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975". Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện "Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa", phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hoá..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
             Bám sát kế hoạch của Bộ chính trị, quân ủy trung ương dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gấp rút chuẩn bị mọi mặt với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”. Cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 bắt đầu từ 4/3/1975 đến 30/4/1975 với ba chiến dịch lớn: Tây Nguyên(4/3-24/3), Huế -Đà Nẵng(21/3-19/3), Hồ Chí Minh(26/4-30/4) với tinh thần  "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!" cuộc tổng tiến công nhanh chóng thành công vang dội, miền Nam được giải phóng, non sông qui về một mối. Trong các nguyên nhân thắng lợi có một phần không nhỏ là nhờ sự chỉ đạo sát sao, đúng đắn và sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
3, Một đời vì nước, vì dân
          Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn phấn đấu hết mình vì nước, vì dân ông là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và cuộc sống giản dị được đồng đội, đồng chí và nhân dân hết mực quí mến.
          Trong công việc, Đại tướng có một phong cách làm việc một cách cần mẫn, Theo đại tá Nguyễn Huyên (Người trợ lí thân cận của Đại tướng) điều ông ấn tượng nhất ở Đại tướng chính là tinh thần làm việc không ngừng nghỉ. Ông nói: “Cụ là người rất hiếm có. Cụ đã làm việc một cách cần mẫn cả ngày nhưng đêm về cụ lại tiếp tục nghiên cứu. Anh em chúng tôi nhiều lúc nhìn mà xót. Khuyên cụ thi thoảng nên dành cho mình thời gian thảnh thơi để giữ sức khỏe thì cụ bảo: “Cậu tưởng cho mình nghỉ là mình khỏe à? Một ngày mà không có gì vào trong đầu thì còn thấy mệt hơn!
          Trong nhân cách, Đại tướng là người ít nói, trầm tính và rất nghiêm túc, tuy nhiên ông cũng là người giàu tình cảm, ông hiếm khi nặng lời với ai và rất yêu mến trẻ em.
          Trong cuộc sống đời thường, đại tướng là người rất mộc mạc, giản dị: chắc ít ai hình dung rằng, bữa trưa của Đại tướng và phu nhân có khi chỉ có chút cơm trắng và hai quả trứng luộc. Ông nhường bà và bà lại nhường ông. Họ cứ đẩy qua đẩy lại như vậy suốt bữa ăn. Cuộc sống của danh tướng huyền thoại giản dị vậy đó. 
Bữa cơm đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

          Tuy hoạt động cách mạng ca quê hương Quảng Bình nhưng trài tim ông luôn hướng về quê mẹ, trong những lần nghe tin quê nhà bị bão lụt, Đại tướng đều điện thoại về hỏi thăm cặn kẻ tình hình bà con có bị thiệt hại gì nhiều không, Đại tướng không quên trích tiền lương giửi về ủng hộ bà con bị thiệt hại.
Người dân Lệ Thủy đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến về thăm quê.
          Rồi trong một lần về thăm quê, Đại tướng đã không ngần ngại cùng ăn trưa với một gia đình nghèo, mặc dù bữa trưa ấy chỉ có một đĩa khoai lang”. Dù ở một cương vị cao nhưng những hành động thấm nghĩa tình mà giản dị của đại tướng đã toát lên sự rạng ngời trong nhân cách của người
          Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
4, Vài lời tiễn biệt Người.
          Sự ra đi của Đại tướng- con người tiêu biểu của thế hệ Hồ Chí Minh, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam là một mất mát to lớn không gì có thể bù đắp được với dân tộc Việt Nam. Vẫn biết sinh-lão-bệnh-tử là qui luật tất yếu của tự nhiên nhưng sự ra đi của Người làm chúng con không khỏi bàng hoàng, xúc động.
          Mong Người sớm yên nghỉ ngàn thu, sự nghiệp của người sẽ sống mãi trong lòng chúng con, trong lòng dân tộc Việt Nam. Công lao của Người ngàn thu vẫn còn lưu mãi.
          Xin Đại tướng an tâm, thế hệ trẻ ngày nay sẽ không phụ công lao của Người, chúng con nguyện phấn đấu hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa để xứng đáng với niềm tin mà Đại tướng đã dành cho thế hệ trẻ hôm nay.

 Nam Hoàng





Các chủ đề liên quan

- Liên kết quảng cáo -
QUANG CAO O DAY