Quảng Cáo 720x90
Searching...

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Cập nhật: Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014 Hiện có: 0 bình luận Tag: , Tác giả:


Đã gần nửa năm trôi qua kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần để lại niềm đau thương vô hạn trong lòng dân tộc Việt Nam. Đất nước ta mất đi một nhân tài, dân tộc ta mất đi một nhà quân sự kiệt xuất…Tuy đại tướng đã đi xa nhưng người đã để lại cho dân tộc một kho tàng nghệ thuật quân sự, văn hóa đồ sộ. Trong đó có những quyết định và chỉ đạo kiệt xuất trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954). Nhân kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ,  chúng ta sẽ cùng ôn lại những kỉ niệm của Đại Tướng với chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tổng chỉ huy đầu tiên và xuất sắc nhất của quân đội nhân dân Việt Nam, là người anh cả của quân đội ta từ khi còn non trẻ đến khi trở thành một đội quân hùng mạnh. Trong kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Võ Nguyên Giáp quân đội ta mặc dù còn trang bị yếu kém, tổ chức thiếu chặt chẽ đã ngày một trưởng thành, dám đương đầu với lại đội quân nhà nghề, thiện chiến của thực dân Pháp và làm nên những chiến thắng vang dội như: Việt Bắc, Biên Giới và Điện Biên Phủ.
Riêng với chiến dịch Điện Biên Phủ - đây là một chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt bởi theo lời Đại tướng nói, trong chiến dịch này Người đã ra một quyết định “ khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp” của mình.

1, Con nhím Điện Biên Phủ và cái bẫy của thực dân Pháp.
          Điện Biên Phủ là một thung lũng lớn nằm ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc cách Hà Nội khoảng 300km, cách Lai Châu 80 km về phía Nam. Nơi đây không những giữ vị trí chiến lược quan trọng ở Tây Bắc mà còn trên cả chiến trường Đông Dương.
          Cuối năm 1953, thực dân Pháp đã đề ra kế hoạch Nava với mưu đồ giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc và tấn công bình định ở miền Nam, miền Trung Đông Dương, xóa sổ vùng tự do liên khu V sau đó thực hiện tấn công chiến lược ở miền Bắc, giành thắng lợi quân sự, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho chúng.
Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ
          Tuy nhiên, âm mưu đó không thể qua được đôi mắt tinh tường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ chỉ huy của ta. Đoán được ý đồ của địch, ta đã tiến công mạnh trên khắp các chiến trường, buộc địch phải phân tán, chia nhỏ lực lượng và làm đảo lộn cả kế hoạch Nava. Đứng trước nguy cơ thất bại, ngày 3/12/1953 Nava và bộ tổng chỉ huy Pháp đã quyết định "chấp nhận chiến đấu ở Điện Biên Phủ” sau đó đổ quân và xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ biến nơi đây thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa chúng và bộ đội ta để quyết định cục diện chiến trường.
Từ cuối năm 1953, Pháp gấp rút biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm cực mạnh với 16200 quân, nhiều xe tăng, pháo binh, có cả trận địa pháo và sân bay. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ còn được trang bị nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại khác đồng thời sử dụng hơn 3.000 tấn dây thép gai để tạo thành những rừng thép gai bao quanh và bảo vệ cho các cứ điểm.
          Với những sự bố trí đó, thực dân Pháp rất tự tin vào thắng lợi cho mình, nhiều tướng lĩnh, chính khách Pháp như: Cogny, Navarre, Dejean, Ely, Blanc… đã đến tận nơi để kiểm tra và đều thống nhất đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một “ Pháo đài không thế công phá”.
          Chúng âm mưu kéo chủ lực ta lên Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ thành “cối xay thịt” khổng lồ tiêu diệt chủ lực Việt Minh từ đó làm thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho cho chúng. Kế hoạch là vậy, nhưng chúng có khả năng đó không lại là chuyện khác. Thế nhưng sự tự tin của Pháp đã đạt đến mức trong tháng 2/1954 chúng rải truyền đơn thách ta đánh Điện Biên Phủ. Thái độ xấc xược, ngạo mạn đó là điểu không thể chấp nhận được.

2, Chủ trương của ta.
          Căn cứ vào diễn biến thực tế trên chiến trường và thực lực của quân đội ta, Bộ chính trị và Trung Ương Đảng cũng đã quyết định chọn Điện Biên Phủ là nơi diễn ra cuộc quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, là nơi diễn ra trận chiến lớn cuối cùng giữa “hổ và voi”
Các đồng chí lãnh đạo họp bàn và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
        
  Ngày 6/12/1953, Bộ chính trị thông qua phương án mở chiến dịch Điện Biên Phủ (mật danh chiến dịch Trần Đình) của Tổng quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ thị trực tiếp làm tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Đến đây, cả ta và địch đều chấp nhận giao chiến ở Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành  “điểm hẹn lịch sử”.

3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ.
          Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ, bí thư chiến dịch. Với vai trò và cương vị đó, trách nhiệm của Người thật nặng nề.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ.
          
          Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược lớn nhất và cuối cùng giữa ta và địch. Nó quyết định cục diện chiến trường chỉ được phép thắng, không được phép thất bại. Nếu thất bại thì chính bản thân đại tướng sẽ là người cảm thấy day dứt và có lỗi với lịch sử. Chiến dịch này quan trọng tới mức trước khi ra trận, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò kĩ Đại tướng rằng: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn" và Bác trao nhiệm vụ: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh đang họp bàn kế hoạch.

Ngày 14/1/1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là 20 tháng 1.
 Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu đã được Trung ương ĐảngQuân ủy Trung ương cùng Bộ Tổng tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự trung ương Trung Quốc. Bởi đánh sớm vào thời điểm này khi Pháp đứng chân chưa vững, chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có khả năng giành chiến thắng cao.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến phương án tác chiến trong
chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, do một số đơn vị  pháo binh của ta vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày đến 17 giờ ngày 25 tháng 1. Sau đó, một chiến sĩ của đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Bộ phận thông tin kỹ thuật của ta nghe địch thông báo cho nhau qua điện đài về ngày giờ tiến công của bộ đội ta, như vậy tin về ngày nổ súng bị lộ, Pháp biết được. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26 tháng 1.
Như vậy, tình thế chiến trường đã có những biến chuyển khó lường và vô cùng bất lợi cho quân ta. Tính bí mật, bất ngờ chiến lược đã không còn nữa, đồng thời địch đã tăng cường củng cố công sự, tăng cường đề phòng quân ta tiến công. Trước tình hình khó khăn đó, nên tiếp tục liều lĩnh tấn công hay tạm thời rút lui, thay đổi cách đánh cho hiệu quả và phù hợp với tình hình mới? Nếu thay đổi cách đánh thì biết giải thích với bộ đội ra sao cho không mất nhuệ khí tiến công? Vấn đề lương thực, hậu cần đã chuẩn bị xong xuôi giờ giải quyết thế nào? Những câu hỏi ấy cứ đau đáu trong đầu Đại tướng suốt những ngày đó. Giữa thời khắc lịch sử đầy khó khăn này với tầm trí tuệ kiệt xuất Đại tướng đã đưa ra những quyết định cực kì sáng suốt. Trong cuốn hồi kí “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” Đại tướng đã kể lại về những suy nghĩ của mình trong đêm 25/1/1954 ấy:
“Tôi đã hiểu vì sao mọi người đều lựa chọn phương án đánh nhanh ? Vấn đề tiếp tế khó khăn chỉ là một lý do. Chúng ta không phải hoàn toàn không có cách khắc phục khó khăn này. Lý do chính là e thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh, sẽ làm ta mất cơ hội tiêu diệt địch”.
Tuy nhiên, tình thế hiện nay: “Địch đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội sẽ phải tiến hành một trận công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có”.
“Ba khó khăn hiện lên rất rõ:
Thứ nhất: Bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường…công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều.
Thứ hai: Trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu, mà lại chưa qua diễn tập. …
Thứ ba: Bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng…”
Cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch sáng 26 tháng 1 không đi đến được ý kiến thống nhất tuy không ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng, không đảm thể đảm bảo thắng lợi một trăm phần trăm được. Vào cuối cuộc họp, đảng ủy mới đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.
Trong thời khắc ấy, đánh hay thay đổi cách đánh là một quyết định vô cùng khó khăn, nếu quyết định sai là có tội với lịch sử, với Đảng, với nhân dân, trên vai Đại tướng như có một gánh nặng ngàn cân. Tuy nhiên, bằng thiên tài quân sự và tài trí tuyệt vời của mình, Đại tướng đã đưa ra quyết định đúng đắn: Thay đổi cách đánh và đình chỉ ngay cuộc tấn công sắp diễn ra vào chiều 26/1/1954!
Cuối cuộc họp Đảng ủy mặt trận bằng uy tín và quyền lực của mình, Đại tướng đã táo bạo kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra!”
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp kiểm tra pháo cao xạ 37 ly

Lịch sử đã chứng minh rằng: đây là một quyết định hoàn toàn sáng suốt!
Thực tế cho thấy, việc tấn công vào tập đoàn cứ điểm mạnh và kiên cố như Điện Biên Phủ bằng phương pháp “đánh nhanh, thắng nhanh” trong điều kiện vũ khí, khí tài của ta còn hạn chế là quá chủ quan, phiêu lưu, mạo hiểm, không đánh giá hết sức mạnh của địch, không đảm bảo chắc thắng, nếu cứ liều lĩnh tiến công, ta ắt phải trả giá cực đắt! Tuy nhiên, với trí tuệ quân sự sáng suốt của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận ra được vấn đề. Ông cho rằngđịch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định” và “sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch”. Từ đó, Đại tướng kiên quyết bác bỏ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” và tổ chức lại thế trận theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Nếu ví Điện Biên Phủ như một “củ hành” thì ta sẽ “bóc từng lớp vỏ” của nó. Chính tướng Na-va, trong hồi kí của mình cũng khẳng định: “Nếu tướng Giáp tiến công vào khoảng 25 tháng 1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại…”. Còn  Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: Nếu Đại tướng Tổng tư lệnh không quyết đoán thì toàn bộ lực lượng của ta đã bị “phơi áo” trong lòng chảo Điện Biên. Ông còn nhấn mạnh: "Nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất 10 năm".
Với quyết định “đánh chắc, tiến chắc”, dưới sự chỉ huy của đại tướng Võ Nguyên Giáp quân đội ta đã tấn công và làm lên thắng lợi vẻ vang “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

4, Vai trò cá nhân lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ.
          Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi chung của cả dân tộc ta, của toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, trong đó vẫn nổi lên vai trò lãnh đạo kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng kết lại lịch sử, Đại tướng giữ  vai trò như sau:
Một là: Lựa chọn phương án tác chiến đúng.
Để tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có nhiều phương án, tuy nhiên để chọn phương án đúng là vấn đề rất khó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng suốt lựa chọn phương án tối ưu nhất cho chiến dịch: “Đánh chắc, tiến chắc” để đảm bảo nguyên tắc “đánh chắc thắng”. Đây là phương án hoàn toàn đúng đắn thể hiện sự linh hoạt sáng tạo theo tình hình thực tế, không cứng nhắc, giáo điều trong thời điểm quyết định trong tư duy của Đại tướng.
Hai là: Dám quyết định trong thời điểm lịch sử.
Điều này thể hiện rõ trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 26/1/1954. Trong cuộc họp, các đồng chí trong ban lãnh đạo chiến dịch vẫn còn tranh luận gay gắt và có nhiều mâu thuẫn chưa thể giải quyết về phương án tác chiến thì chính lúc này Đại tướng với tư cách là tổng tư lệnh, chỉ huy cao nhất mặt trân đã tự mình gánh lấy trách nhiệm với lịch sử mà kiên quyết ra quyết định: “Để bảo đảm nguyên tấc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”. Như vậy, có thể thấy, ở những thời khắc lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cực kỳ cẩn trọng đưa ra những quyết định vô cùng sáng suốt, lấy sự tồn vong của dân tộc lên hàng đầu trong mọi tính toán, cân nhắc. Điều đó, đã mang tới những chiến công lừng lẫy của một đội quân nhân dân với những người lính dũng cảm chiến đấu không tiếc xương máu, dưới sự chỉ đạo, dìu dắt của người Tổng tư lệnh mưu trí tuyệt vời, quý trọng tính mạng của cán bộ, chiến sĩ trong từng quân lệnh.
 Chính mệnh lệnh bắt buộc của tổng tư lệnh tối cao đã tạo nên sự thống nhất trong phương án tác chiến, loại bỏ những tranh luận không đáng có trong ban chỉ đạo chiến dịch, tập trung tối đa tinh thần cho phương án tác chiến mới, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Để ra được quyết định như vậy không phải là chuyện đơn giản phải là một người cực kì bản lĩnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiên được bản lĩnh của mình, thể hiện được khí phách của người lãnh đạo tối cao, người cầm trịch trận đánh. Bản lĩnh đó đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một anh hùng của dân tộc Việt Nam, một vị tướng huyền thoại với nhân dân trên toàn thế giới, người mà đã được báo chí Pháp gọi với tên là Napoleon đỏ của Việt Nam.
Ba là : Kiên quyết thực hiện quyết định.
Sau khi thay đổi phương án tấn công, chúng ta vấp phải những khó khăn vô cùng lớn: về mặt hậu cần, chúng ta phải huy động một lượng vật chất cực lớn ra chiến trường trong điêu kiện rất khó khăn. Về phía địch, chúng có thời gian để củng cố và xây dựng vững chắc hơn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Việc tấn công sẽ vấp phải những khó khăn lớn hơn rất nhiều so với “đánh nhanh thắng nhanh”. Nếu không bản lĩnh, đối mặt với những khó khăn đó, ta có thể nản lòng. Tuy nhiên, dưới sự chỉ huy kiên quyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã quyết tâm vượt mọi khó khăn, kiên quyết thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” đến thắng lợi cuối cùng.
Mệnh lệnh tổng công kích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

          Bốn là : Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin của quân đội.
          Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với quân đội từ khi mới hình thành, đồng hành cùng quân đội ta trên mỗi bước đường lịch sử. Tài năng và uy tín của Đại tướng được tướng và sĩ trong quân đội đặc biệt tín nhiệm, Đại tướng được quân đội coi như người anh cả của mình, mỗi người lính đều đặt niềm tin tuyệt đối vào Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm thương binh sau chiến dịch Điện Biên Phủ.

         Khi quân đội ta đứng trước thử thách lớn: Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong quá trình chuẩn bị cũng như tấn công, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn để giành thắng lợi cuối cùng, để làm nên thắng lợi đó, một phần là do niềm tin tuyệt đối, sự kiên quyết phục tùng mệnh lệnh của quân đội ta với “người anh cả” của mình.

Dũng Hải





Các chủ đề liên quan

- Liên kết quảng cáo -
QUANG CAO O DAY