NHỮNG KÌ TÍCH TRONG CÔNG TÁC HẬU CẦN CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
Cập nhật:
Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014
Hiện có:
0 bình luận
Tag:
Chính trị, Tiêu Điểm
Tác giả:
Nguyen Anh
Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày quân, dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ. Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất và là chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. Để có được thắng lợi đó, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã có sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ trong một thời gian dài. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó công tác hậu cần chiến dịch đóng góp một vai trò không hề nhỏ.
Trong chiến tranh, vấn đề hậu cần có thể quyết định được thành - bại của cuộc chiến. Lịch sử đã chứng minh rằng quan điểm này hoàn toàn đúng.
Trong lịch sử chống xâm lăng nước ta, chúng ta từng đương đầu với quân Nguyên hùng mạnh, tuy nhiên khi vào nước ta lần 1 (1228) do không chuẩn bị trước lương thực lâu dài nên bị ta đánh cho tan tác, buộc phải rút lui; lần 3 (1288) khi đoàn thuyền lương của chúng do Trường Văn Hổ chỉ huy bị ta tiêu diệt, quân Nguyên không đánh cũng tự tan, phải rút quân về nước.
Trong lịch sử Trung Quốc, khi trận hội chiến Quan Độ (năm 200) giữa Tào Tháo và Viên Thiệu đang diễn ra quyết liệt, quân Tào Tháo đang thất thế nhờ Tào Tháo tỉnh táo đánh vào Ô Sào (nơi chứa lương thực của quân Viên Thiệu) mà giành lại được thế thượng phong và sau đó đánh tan quân Viên Thiệu.
Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhận thấy vấn đề hậu cần chiến dịch là vấn đề cực kì quan trọng nên Đảng và Chính phủ đặc biệt chú trọng vấn đề này.
1, Những yêu cầu của công tác hậu cần trong chiến dịch. Trong binh pháp của người xưa có câu: “thực túc binh cường”, trong chiến tranh cách mạng bộ đội ta cũng có câu: “ăn no đánh thắng”. Vì vậy, công tác hậu cần chiến dịch cần chuẩn bị thật chu đáo mới đảm bảo cho bộ đội ta yên tâm chiến đấu.
Xác định được tầm quan trọng của vấn đề này, ngay sau khi chấp thuận đề nghị thay đổi phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị "Toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến”. Việc huy động toàn bộ sức người, sức của ở hậu phương phục vụ cho tiền tuyến mang một quy mô mới. Những kinh nghiệm về công tác hậu cần chiến dịch được rút ra sau mỗi mùa khô từ khi bộ đội ta bắt đầu đánh lớn cuối năm 1950, đều được vận dụng trong Đông Xuân 1953-1954 một cách hiệu quả và đúng đắn.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ tịch Hội đồng cung cấp chiến dịch Điện Biên Phủ |
Để làm tốt công tác tổ chức hậu cần cho chiến dịch, Hội đồng Cung cấp mặt trận được thành lập ở trung ương do phó thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng (sau đó ông là Thủ tướng chính phủ) làm chủ tịch, Tổng thanh tra chính phủ Nguyễn Văn Trân làm phó chủ tịch. Ở các tỉnh và liên khu cũng thành lập các Hội đồng cung cấp mặt trận Liên khu và tỉnh. Công tác hậu cần chiến dịch lần đầu được phân thành hai tuyến: tuyến hậu phương và tuyến chiến dịch. Tổ chức mới này giúp giảm bớt một phần lớn áp lực vận chuyển cho bộ phận cung cấp tiền phương. Bộ phận này tập trung được toàn bộ sức lực cho công việc vận chuyển ở tiền phương.
Ban tham mưu chiến dịch dành nhiều thời gian làm việc với cơ quan cung cấp, xác định những yêu cầu mới về lương thực, đạn dược. Nhu cầu bảo đảm vật chất dự kiến ban đầu là 434 tấn đạn, 1.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm khô. Tuy nhiên, khi ta “chuyển sang đánh chắc, tiến chắc” đã tăng ít nhất là gấp ba, riêng về gạo, cần tới trên 20.000 tấn. Đây là một thách thức lớn với quân và dân ta vì điều kiện ta lúc đó cực kì khó khăn, ta chưa bao giờ huy động và vận chuyển một khối lượng vật chất lớn như thế ra chiến trường. Một lần nữa tình ưu việt của chế độ mới lại bị thử thách.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm chiến dịch trước, ta chủ trương tranh thủ tối đa việc huy động lương thực, thực phẩm tại địa phương, và sừ dụng phương tiện vận chuyển cơ giới. Chính quyết sách này đã đem lại hiệu quả cao cho công tác hậu cần chiến dịch.
2, Công tác hậu cần chiến dịch và những kì tích.
a. Những trở ngại trong công tác hậu cần chiến dịch.
- Về địa hình:
Tây Bắc là khu vực núi có địa hình cao, đồ sộ và hiểm trở nhất nước ta. Phía Đông là dãy núi cao đồ sộ Hoàng Liên Sơn giới hạn từ biên giới Việt-Trung tới khuỷu sông Đà, có đỉnh Phan Xi Păng (3143m). Phía Tây là địa hình núi trung bình của các dãy núi chạy dọc biên giới Việt-Lào, từ Khoan La San tới sông Cả. Ở giữa thấp hơn là các dãy núi, các sơn nguyên và các cao nguyên đá vôi từ Phong Thổ đến Mộc Châu tiếp nối những đồi núi đá vôi ở Ninh Bình tới Thanh Hóa.… Địa hình này bị chia cắt mạnh, lắm sông suối, hẻm vực, sườn dốc; đồng thời do mưa nhiều, độ dốc lớn, miền núi là nơi dễ xảy ra các thiên tai như: lũ nguồn, lũ quét, xói mòn, trượt lở đất… Những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt trên gây có khăn đặc biệt lớn cho giao thông vận tải và vận chuyển hàng hóa giữa Tây Bắc với các vùng khác.
Cho tới tận ngày nay, đường giao thông lên Tây Bắc vẫn còn rất khó khăn và hạn chế. Vậy sức mạnh thần kì nào trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã khiến quân và dân ta lại có thể vượt qua những điều kiện khó khăn đó để làm tốt công tác hậu cần chiến dịch?
- Về sự đánh phá của địch.
Ngày từ đầu năm 1954, nhận thấy quân và dân ta đang vận chuyển lên Điện Biên Phủ một khối lượng vật chất lớn, thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn cản điều này. Trên các tuyến đường vận chuyển trọng yếu của ta, bộ tham mưu Pháp đã tìm được “40 điểm có thể cắt đứt, tạo ra hiệu quả lớn". Pháp tính đến cả cách dùng mưa nhân tạo để phá đường.
Máy bay ném bom B26, Pháp sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ |
Ở hậu phương, địch đánh rất mạnh vào những trọng điểm: đèo Giàng, từ Cao Bằng xuống, đèo Cà, từ Lạng Sơn về, đèo Khế từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang, để triệt nguồn tiếp tế của ta ngay từ gốc. Những trận oanh tạc không chỉ nhắm vào đèo núi cao mà còn chú trọng cả những đoạn đường nằm trên cánh đồng thấp để biến nó thành vũng lầy rất khó sửa chữa. Trên tuyến chiến dịch, máy bay địch đánh phá án liệt các đèo Lũng Lô, Pha Đin và những đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo ngăn không cho gạo, đạn tới được các đơn vị ở mặt trận. Có ngày, chúng ném xuống Cò Nòi 300 trái bom, Pha Đin, 160 trái, gồm bom phá, bom napan, bom nổ chậm..
- Về đường vận tải và công cụ phương tiện.
Cũng xin nhắc lại, điều kiện của quân và dân ta lúc đó đặc biệt khó khăn, chúng ta hầu như chỉ có sức người là chính với sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Trong làm đường: Đường ra mặt trận rất khó khăn, hiểm trở, hầu hết là đường nhỏ, hẹp, nhiều đoạn sụt lở, hầu hết cầu cống đều hư hỏng, xe cơ giới không thể di chuyển. Trong khi đó, yêu cầu mở rộng, sửa chữa đặt ra cấp bách mà công cụ mở đường của ta thì hầu như toàn công cụ thô sơ như búa, cuốc, xẻng, rìu, thuổng, đẽo.., máy móc hỗ trợ thì gần như không có.
Trong vận tải : Để tăng cường hiệu quả công tác hậu cần chiến dịch, toàn bộ số xe cơ giới của ta gồm 16 đại đôi với 628 xe cho công việc này. Tuy nhiên, số lượng xe ít ỏi này chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải cho chiến dịch. Ngoài ra, chúng ta chỉ có xe đạp, xe thô sơ…Đường sông thì vô cùng hiểm trở, với nhiều thác ghềnh, độ dốc lớn.
Với những khó khăn đặt ra như vậy thậm chí cơ quan tham mưu của Nava ở Sài Gòn tin rằng: Việt Minh không thể duy trì ở thượng du quá 2 đại đoàn và 20.000 dân công, sự bấp bênh về giao thông không cho phép họ mang tới đó pháo trên 75 ly cùng với đạn pháo quá 7 ngày chiến đấu.
b. Kì tích xuất hiện…
Khi có chỉ thị của Trung ương, trong cả nước, ở khắp mọi nơi, đều nô nức một bầu không khí gấp gáp, khẩn trương. Những câu hát vang lên như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ:
“Qua miền tây bắc núi ngút ngàn trùng xa
Núi sâu đèo cao bao khó khăn ta vượt qua
Bộ đội ta vâng lệnh cha già
Về đây giải phóng quê nhà.”
Bầu không khí sục sôi ấy đã được nhà thơ Tố Hữu ghi lại bằng những vần thơ dồn dập, mạnh mẽ:
“Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
(Việt Bắc-Tố Hữu)
Vượt lên trên mọi khó khăn của địa hình, sự đánh phá ác liệt của quân thù, quân và dân ta huy động tối đa sức người, sức của quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ hậu cần chiến dịch khó khăn và nặng nề này. Thậm chí, các đồng chí lãnh đạo cấp cao như: Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Trân, Trần Lương trực tiếp xuống thực tế nhiều địa phương để làm công tác chỉ đạo và động viên cho việc hậu cần chiến dịch.
Chỉ trong một thời gian ngắn một lực lượng lớn dân công hỏa tuyến với 260000 người (gấp 13 lần dự báo của Pháp) được huy động vào công tác hậu cần, đóng góp 11 triệu ngày công. Phương tiện cơ giới vận chuyển gồm có 628 ô tô, 11.800 thuyền, bè, hơn 20000 ngàn xe đạp, xe thồ và hàng ngàn phương tiện vận chuyển thô sơ khác. Những con số khổng lồ đó đã nói lên sức mạnh và niềm tin của nhân dân vào Đảng cũng như tinh thần nhiệt tình cách mạng của quần chúng trong chiến dịch lịch sử này.
Để huy động lương thực, thực phầm cho chiến dịch: ta quyết định huy động từ 2 nguồn: tại chỗ và từ hậu phương lên.
Do khả năng vận chuyển, tiếp tế bằng dân công gánh bộ cần huy động nhiều nhân công mà hiệu quả lại cực kì thấp (trong chiến dịch Tây Bắc, lương thực từ hậu phương đưa ra mặt trận bằng dân công gánh bộ, tới nơi chi còn nộp kho được 8%) nên công tác huy động lương thực thực phẩm tại chỗ và sử dụng cơ giới vận chuyển mang lại hiệu quả cao được ta ưu tiên chú trọng.
Về huy động lương thực thực phẩm tại chỗ: Tây Bắc là vùng núi cao đồ sộ, có rất ít diện tích đất đai để canh tác. Tuy nhiên, vùng này lại có bốn cánh đồng rất màu mỡ là: Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc đây chính là bốn vựa lúa lớn nhất của vùng này.
Cánh đồng Mường Thanh ngày nay |
Hội đồng Cung cấp chiến dịch dự định huy động tại Tây Bắc khoảng 6.000 tấn lương thực. Số lương thực này nếu đưa từ xa tới sẽ phải huy động nhiều gấp ba, bốn lần. Sau khi chủ trương đến được với đồng bào, đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc đã nhiệt tình ủng hộ cách mạng vượt mức kế hoạch với hơn 7000 tấn gạo, gần 400 tấn thịt. Số lương thực thực phẩm quí báu đó đã góp phần không nhỏ làm lên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Về vấn đề vận chuyển nhu yếu phẩm, quân trang, vũ khí từ hậu phương vào chiến dịch: Quân và dân ta tích cực sửa sang và mở rộng những tuyến đường vận tải quan trọng không những để chạy xe vận tải mà còn để kéo pháo vào chiến dịch. Nhờ có tầm nhìn xa trông rộng nên từ trước đó ta đã khôi phục và mở rộng 4.500 kilômét đường, trong đó có trên hai ngàn kilômét cho xe cơ giới.
Bộ đội ta phá đá, mở đường |
Bắt đầu mở chiến dịch ta đã sửa chữa và mở rộng nhiều tuyến đường như: Tuần Giáo - Lai Châu, Tuần Giáo - Điện Biên đủ để cho xe vận tải, xe kéo pháo tiến vào trận địa. Trong quá trình sửa chữa và mở rộng này ta gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đoạn đường phải có địa thế cực kì hiểm trở (trong thế chiến lần thứ hai, ở Mianma, quân đội Mỹ với những máy móc và phương tiện xây dựng hiện đại phải đã mất 18 tháng mới xây dựng gấp rút xong một con đường dài 190 kilômét trong điều kiện không bị kẻ địch cản trở. Trong khi đó, chúng ta chỉ có chưa tới nửa năm để xây dựng 160 kilômét đường ở ngay mặt trận dưới sự đánh phá thường xuyên của địch mà trong tay chỉ có những công cụ thô sơ nhất, việc xây dựng hầu sử chỉ sử dụng sức người với sức mạnh tinh thần và lòng quyết tâm lớn lao.
Kết quả là công binh và dân công hỏa tuyến ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ trong thời gian ngắn. Với tinh thần “cả nước cùng ra trận”, sức mạnh và ý chí của toàn dân ta đã được phát huy cao độ.
Cùng thời gian, ta huy động toàn bộ lực lượng cơ giới của quân đội với 16 đại đội, 628 ô tô phục vụ cho chiến dịch. Đây là lực lượng chính để vận chuyển hàng hóa vào chiến trường.
Bên cạnh đó, để tăng thêm hiệu quả của công tác vận chuyển, hạn chế thiệt hại do địch đánh phá và khắc phục những điểm mà cơ giới không vận chuyển tới được ta quyết định huy động vào chiến dịch cả những phương tiện vận tải thô sơ như xe thồ, xe ngựa, xe trâu…vv. Đặc biệt, xe đạp thồ được huy đông tối đa vào chiến dịch với khoảng 20.000 chiếc với hiệu quả vận chuyển ngày càng được nâng cao, lúc đỉnh điểm nhiều chiếc xe đạp thồ được tới 300 kg, thậm chí có những chiếc lên tới 352 kg...
Xe thồ vận chuyển lương thực trong chiến dịch Điện Biên Phủ |
Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn với quân địch, máy bay và pháo binh của địch có thể phá được đường lớn và ngăn chặn cơ giới của ta nhưng chúng không thể ngăn hàng chục ngàn phương tiện thô sơ của ta như những con thoi đêm ngày tải hàng ra chiến trường. “Một lần nữa, kỹ thuật lại bị thua bởi những con người có tâm hồn và một lòng tin.” (Paul Ély)
Mặt khác, do địa hình Tây Bắc có nhiều sông suối chảy qua, có thể lợi dụng sức nước để giảm bớt sức người nên ta cũng rất chú trọng khai thác tuyến đường vận tải quan trọng này.
Tuy nhiên, sông suối Tây Bắc rất hiểm trở với nhiều thác ghềnh, lòng sông nhiều đoạn rất nhỏ và nhiều đá ngầm gây khó khăn lớn cho thuyền bè qua lại. Khắc phục khó khăn, bộ đội ta đã tích cực phá đá, phục ghềnh, khai thông dòng Nậm Na. Hiệu suất vận chuyển ngày càng nâng cao, tần suất chuyến được tăng cường, thuyền bè cập bến Lai Châu ngày càng nhiều. Riêng ở trên tuyến đường này, chỉ trong một thời gian ngắn ta đã vận chuyển ra chiến trường được hơn 1700 tấn gạo.
Vận chuyển gạo bằng đường sông lên mặt trận |
Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn vượt qua mọi khó khăn của địa hình, sự ngăn cản của địch, với tinh thần “ tất cả cho chiến dịch và tất cả để chiến thắng” quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu cần cho chiến dịch:
“Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)
Hàng chục ngàn tấn vũ khí, đạn dược, 27000 tấn gạo, hơn 1800 tấn thịt đã được chuyển ra mặt trận. Cả dân tộc Việt Nam đã đảm bảo công việc hậu cần cho một lực lượng bộ đội lớn, tác chiến trên một mặt trận rất xa, trong một thời gian dài; một việc làm mà quân Pháp không thể lường trước được, nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng. Bộ đội ta có thêm niềm tin để vững chân bước vào một trận đánh lớn. Đó là một trong những nhân tố quyết định đển làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
3, Ý nghĩa của công tác hậu cần với chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lịch sử thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là lịch sử của cuộc chiến tranh nhân dân trên phạm vi cả nước, trong đó hoạt động hậu cần là một minh họa hoành tráng và sinh động. Hàng ngàn liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có biết bao người làm hậu cần và dân công hỏa tuyến. Họ góp phần xương máu làm nên kỳ tích, bảo đảm hậu cần cho hơn 5 vạn người tham gia chiến đấu. Trong chiến thắng oanh liệt vĩ đại của Điện Biên Phủ, xứng đáng có chiến thắng trên cả mặt trận hậu cần chiến dịch.
Công tác hậu cần chiến dịch chính là nền tảng vững chắc để quân và dân ta làm nên chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Nhờ đảm bảo tốt công tác hậu cần, đảm bảo đủ nhu cầu của mặt trận nên bộ đội ta rất yên tâm chiến đấu và làm nên thắng lợi vẻ vang
Công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ để lại cho chúng ta những kinh nghiệm đắt giá về sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, nhạy bén và sự tổ chức của Đảng, chính phủ và quân ủy Trung Ương. Chính sự sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng này là kim chỉ nam cho quân đội ta đi tới thắng lợi cuối cùng.
Công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ Để còn để lại nhiều bài học quí báu cho công tác hậu cần trong những chiến dịch sau này. Như kinh nghiệm vận chuyển hàng hóa qua điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận chuyển dài, bị địch đánh phá; kinh nghiệm mở đường…Tất cả những kinh nghiệm đó được quân và dân ta vận dụng sáng tạo và rất có hiệu quả trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần hình thành lên tuyến đường vận chuyển 559 Trường Sơn huyền thoại.
Cuối cùng, qua công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã cho thấy cả thế giới biết rằng ý chí và nghị lực của dân tộc Việt Nam phi thường như thế nào. Không một khó khăn nào có thể cản bước dân tộc ta đi tới vinh quang, tới thắng lợi cuối cùng. Ý chí và nghị lực phi thường của nhân dân đã được thử thách và minh chứng rõ ràng nhất trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như
Huân chương trên ngực
Dân tộc ta dân tộc anh hùng!”
Dũng Hải
Bình luận trên Facebook 0 nhận xét