TỔNG QUAN VỀ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
Cập nhật:
Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014
Hiện có:
0 bình luận
Tag:
Chính trị, Tiêu Điểm
Tác giả:
Nguyen Anh
Nhân kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), KenhVietNam xin đăng tải những góc nhìn tổng thể và cụ thể về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân Việt Nam.
Đại tướng, Tổng tư lệnh, Võ Nguyên Giáp - linh hồn của Chiến dịch Điện Biên Phủ |
TỔNG QUAN
1, Âm mưu của địch
Cho tới đông xuân 1953-1954 quân Pháp ngày càng sa lầy trên chiến trường Đông Dương và có nguy cơ bại trận rất lớn. Để cứu vãn tình thế ngày 24/7/1953, Hội đồng quốc phòng Pháp dưới sự chủ trì của Tổng thống Vanh xăng Ô ri ôn đã thông qua kế hoạch Nava. Kế hoạch Na va gồm hai bước:
Bước thứ nhất: Giữ thế phòng ngự chiến lược ở Miền Bắc và tấn công bình định ở miền Nam, miền Trung Đông Dương, xóa sổ vùng tự do liên khu V.
Bước thứ hai: Thực hiện tấn công chiến lược ở miền Bắc, giành thắng lợi quân sự, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho chúng.
Để thực hiện kế hoạch này, thực dân Pháp một mặt tích cực xin thêm viện trợ của Mĩ, đồng thời ra sức bắt lính, tập trung quân tinh nhuệ, xin thêm lính ở “chính quốc” để xây dựng một lực lượng cơ động mạnh nhằm tăng cường càn quét và tiến hành quyết chiến với bộ đội chủ lực của ta.
Trong thu – đông 1953, Nava tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động cực mạnh gồm 44 trong tổng số 84 tiểu đoàn quân cơ động của chúng trên toàn chiến trường Đông Dương.
Kế hoạch Nava là một kế hoạch dựa trên sự nỗ lực cao nhất của chính phủ Pháp và sự viện trợ tối đa của Mĩ: “nó cho phép hi vọng đủ mọi điều”.
2, Chủ trương của ta
Ngay khi biết tin Pháp chọn Điện Biên Phủ để tiến hành trận chiến quyết định, chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy ngay chiếc mũ trên đầu và ném lên bàn. Chỉ thẳng vào chiếc mũ đang lật ngửa-tượng trưng cho Điện Biên Phủ. Người nói: “Quân Pháp sẽ bị chôn sống ở đây”.
Nắm được ý đồ của địch, ngay từ tháng 9/1953 Bộ chính trị và trung ương Đảng đã họp bàn kế hoạch quân sự đông xuân 1953-1954 tại chiến khu Việt Bắc và ra quyết định: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tấn công vào những nơi địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó đẩy mạnh chiến tranh du kích trên khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ”.
Bộ chính trị đã nhấn mạnh phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chon nơi địch sơ hở và tương đối yếu mà đánh, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng”.
3, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ là một thung lũng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc cách Hà Nội khoảng 300km, cách Lai Châu 80 km về phía Nam. Dưới con mắt của các nhà hoạch định chiến lược quân sự Pháp, Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược đặc biệt trọng yếu án ngữ Tây Bắc Việt Nam, kiểm soát tuyến đường thông sang Thượng Lào. Vì vậy, Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với mưu đồ nhử quân chủ lực ta tấn công vào Điện Biên Phủ và “nghiền nát” chúng ta tại đây.
Vào lúc cao điểm nhất lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ đã lên đến 16200 tên cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng, máy bay thường trực và nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại khác. Ngoài ra, Pháp còn sử dụng hơn 3.000 tấn dây thép gai để tạo thành những "rừng rào cản" bảo vệ các cứ điểm.
Với lực lượng trên, Pháp bố trí thành 49 cứ điểm, những cứ điểm gần nhau lại được tổ chức thành cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng). Tập đoàn cứ điểm có 8 trung tâm đề kháng và được chia thành 3 phân khu: Phân khu Bắc, Phân khu Nam và Phân khu trung tâm.
Phân khu trung tâm là phân khu quan trọng nhất, nằm giữa Mường Thanh, chiếm gần 2/3 lực lượng với 5 trung tâm đề kháng, bao bọc lấy cơ quan chỉ huy của tập đoàn cứ điểm. Phân khu Bắc gồm 2 trung tâm đề kháng, phòng ngự ở hướng Bắc. Phân khu Nam có một trung tâm đề kháng, phòng ngự từ phía Nam. Trong 3 phân khu, phân khu Bắc là phân khu quan trọng được ví như cánh cửa thép để bảo vệ tập đoàn cứ điểm này.
Trên thực tế, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm cực mạnh, nó giống như một con nhím, khi bị tấn công chúng sẽ xù lông ra, nếu kẻ thù tấn công vào thì có thể chuốc lấy đau đớn, bại vong.
Với sự bài bình bố trận đó Pháp tin tưởng ở chiến thắng cho mình nếu trận quyết chiến chiến lược xảy ra với Việt Minh. Chúng tự tin và ngông cuồng thái quá đến mức coi Điện Biên Phủ là một pháo đài bất khả xâm phạm, “một Véc Đoong của Đông Dương”; nhiều tướng lĩnh, chính khách Pháp như: Cogny, Navarre, Dejean, Ely, Blanc… đã đến tận nơi để kiểm tra và đều thống nhất đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một “ Pháo đài không thế công phá”. Tướng Đờ Cát-xtơ-ri-Tổng chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ nhiều lần huênh hoang tuyên bố: "Mục đích của Điện Biên Phủ là để nghiền nát ý muốn điên rồ của Việt Minh". Thậm chí ngày 3-2-1954 (mồng 2 tết âm lịch), chúng còn rải truyền đơn, thách ta đánh Điện Biên Phủ. Thái độ ngạo mạn đó đã chứng tỏ một điều địch đánh giá quá thấp khả năng và trình độ tác chiến của quân đội và nhân dân ta. Để rồi chính chúng lại phải chuốc lấy thất bại đau đớn.
Nhìn vào thực tế thì Pháp đã quên mất những chi tiết cực kì quan trọng để rồi tự chúng đã tự biến Điện Biên Phủ thành tử địa, thành mồ chôn chính mình:
Một là: Vào Điện Biên Phủ chỉ có 1 con đường duy nhất thông sang Lào, Điện Biên Phủ án ngữ trên con đường đó, nếu quân ta bao vây chúng và chặn cả 2 đầu thì chúng như “cá nằm trong rọ” không có đường lui. Trong binh pháp thì đó chính là tử địa.
Hai là: Điện Biên Phủ nằm dưới một thung lũng, địa thế như một lòng chảo, có lẽ chúng đã quên rằng trong chiến tranh bên nào chiếm được điểm cao, nắm được địa lợi thì bên đó có khả năng chiến thắng cao hơn, vậy mà chúng bỏ nơi cao, xuống chỗ thấp đánh mất địa lợi của mình. "Từ trên máy bay nhìn xuống, người ta tự hỏi : Không hiểu vì sao Navarre, một trong những tướng tài ba nhất của Pháp lại đem quân nhốt mình vào cái "chậu" (tiếng Pháp là Cuvette) bốn bề bịt kín thế này. Đúng, từ máy bay nhìn xuống đồng bằng Mường Thanh với căn cứ Điện Biên Phủ quả là một cái chậu bốn bề núi cao, vào đấy là hết đường thoát" (Nguyễn Khắc Viện). Kết quả là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các cứ điểm của chúng đã trơ mình ra làm mồi cho pháo của ta từ trên cao bắn xuống và chịu những tổn thất nặng nề.
Ba là: Điện Biên Phủ có vị trí xa hậu phương địch, gần hậu phương ta, chi viện chỉ dựa vào đường hàng không, nếu ta cắt đứt được đường tiếp ứng, tiếp tế bằng hàng không của chúng thì coi như chúng không đánh cũng tự thua. Trên thực tế, bộ đội cao xạ của ta đã làm được điều này và làm chủ bầu trời Điện Biên, hạ 62 máy bay địch. Hậu quả là Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lâm vào cảnh thiếu thốn trầm trọng lương thực, thực phẩm, quân trang, vũ khí, sức mạnh bị suy yếu nghiêm trọng để rồi đi tới bại vong.
Nam Hoàng
Bình luận trên Facebook 0 nhận xét