Kết quả có nói lên điều gì?
Cập nhật:
Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014
Hiện có:
0 bình luận
Tag:
Chính trị, Tiêu Điểm
Tác giả:
Nguyen Anh
Một kết quả quá bất ngờ của Bộ Nội vụ phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại cuộc khảo sát thử nghiệm mức độ hài lòng đối với dịch vụ hành chính công tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định đã được công bố ngày 20/8. Đúng là khó có gì bất ngờ bằng kết quả hơn 80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công. Một kết quả hoàn hảo, đẹp hơn cả Kiều đối với sự nghiệp xây dựng đất nước ta. Một kết quả gây nức lòng người, nhân dân ta đang hạnh phúc lắm nhờ kết quả này. Thật hãnh diện cho xứ sở An Nam ta, nay đã tiến bộ vượt bậc, nhân dân ta được hưởng dịch vụ công tuyệt vời, con số ủng hộ gần như tuyệt đối. Kết quả này lại còn có cả yếu tố nước ngoài, được cả ngân hàng thế giới WB cùng tiến hành điều tra nữa chứ. Xứ ta vốn sĩ ngoại, nay có cả yếu tố nước ngoài thì còn gì bằng.
Thế mà mới cách đây chưa lâu xứ ta đã có vụ tìm và xử công chức 100 triệu, các quan chức tháp ngà tìm mãi không ra. Nhưng không biết cái tin công chức 100 triệu ấy đâu ra. Rồi mới cách đây mấy ngày lại vụ việc tiến sỹ y khoa 200 triệu…Hay toàn là những việc người ta tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. Một đất nước luôn có những con số điều tra cao chót vót, như Thành Phố Hồ Chí Minh có 99%, 100% các lĩnh vực được điều tra người dân hài lòng. Đúng là kết quả thì đẹp, nhưng thực tế chưa ai biết ra sao.
Hành là chính
Nói và làm nhiều khi là một khoảng cách rất lớn. Giữa những con số và thực tế lại là một vấn đề. Để có một bản điều tra xã hội học đòi hỏi cả một quá trình làm việc của những nhà khảo sát. Nhưng phải xét đến cả yếu tố tâm lý xã hội, tâm lý người dân ta đó là e ngại va chạm, e ngại những điều không hay, cam chịu thì điều tra xã hội học một vấn đề nhạy cảm lại càng khó thu được kết quả thực. Người dân xứ ta chỉ mong im cho qua chuyện, nói sau lưng thì có thể nhưng để thẳng thắn nêu ý kiến lại là cả một vấn đề. Tôi đã từng nhớ một lần tôi đi khám bệnh tại một bệnh viện công. Đang lúc ngồi đợi khám thì y tá đến và phát một phiếu điều tra ý kiến về dịch vụ và thái độ của y bác sỹ bệnh viện. Tôi chỉ thấy người dân lướt qua và đánh dấu “tốt”. Trong khi họ vẫn nói rằng đi khám bệnh đợi lâu, không biết vấn đề gì hỏi bác sỹ thì bị trợn mắt lên quát, hãi chết khiếp. Phải chăng có một sự tương đồng nào trong các cuộc điều tra vừa qua với cuộc điều tra tại bệnh viện mà tôi vừa phản ánh. Bây giờ nếu điều tra xã hội học về dịch vụ công mà chính những cán bộ công quyền đi điều tra chắc chắn sẽ chẳng có người dân nào dám nó ra sự thật. Thậm chí không phải chính cán bộ công quyền đi điều tra chăng nữa cũng khiến người dân có tâm lý e ngại, sợ không dám nói. Nên kết quả có cao thế nào đi chăng nữa chắc gì đã nói lên đúng bản chất.
Muốn hiểu dân thì điều tra không là không đủ, nhìn số liệu để làm chính sách càng không hay. Điều quan trọng là làm cho người dân dám nói lên sự thật, tin tưởng được nói lên sự thật sẽ được lắng nghe. Còn nếu cứ mãi cái bài “30% công chức cắp ô”, rồi có người còn đề xuất nên mở lớp dạy cười cho cán bộ cơ quan công quyền khi tiếp dân thì chắc con số điều tra sẽ càng ngày càng cao hơn nữa sự đồng thuận. Điều đáng sợ nhất đó là lúc người dân không nói nữa, đồng ý hết.
Đảng, Nhà nước vẫn luôn mong rằng sẽ phát triển mạnh kinh tế văn hóa xã hội, đi liền đó là tăng cường chất lượng các dịch vụ công. Nhưng đâu đó, các địa phương vẫn còn tính cục bộ, công tác quản lý cán bộ vẫn còn kém, khiến người dân mất cảm tình. Thiết nghĩ đã đến lúc các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng đừng tin, đừng dựa vào các số liệu điều tra cao ngất ngưỡng đấy nữa. Hãy tìm cách tiếp cận với người dân để nghe tâm tư tình cảm của họ, từ đó đưa ra được những chính sách hợp với ý Đảng lòng dân.
Quốc Thái
Bình luận trên Facebook 0 nhận xét